Kỹ năng mềm là gì? Các kỹ năng mềm quan trọng cần thiết cho bạn trẻ vào đời

Kỹ năng mềm là gì? Kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. Kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hòa mình vào, sống với hay tương tác với xã hội, cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức.

Kỹ năng mềm là gì?
Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm (Soft skills) hay còn gọi là Kỹ năng thực hành xã hội là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…

Kỹ năng cứng là gì?
Kỹ năng cứng là gì?

Kỹ năng cứng là gì?

Kỹ năng cứng thường được hiểu là những kiến thức, đúc kết và thực hành có tính chất kỹ thuật nghề nghiệp. Kỹ năng cứng được cung cấp thông qua các môn học đào tạo chính khóa, có liên kết lô-gich chặt chẽ, và xây dựng tuần tự. Thời gian để có được kỹ năng cứng thường rất dài, hàng chục năm, bắt đầu từ những kiến thức kỹ năng cơ bản ở nhà trường phổ thông qua các cấp như:

Tư duy hình học, tư duy ngôn ngữ-văn phạm, các hệ thống khái niệm lý thuyết cơ bản vật lý hóa học sinh học toán học… và những kiến thức kỹ năng này được phát triển dần lên các mức độ cao hơn, thông qua giảng dạy, thực hành và tự học một cách hệ thống.

Đối với các kỹ năng cứng, khả năng tự tìm hiểu toàn bộ gần như không thể, mà người ta bắt buộc phải trải qua những giai đoạn có xây dựng tính hệ thống của tư duy logic và dựa trên “vai các nhà khổng lồ” Thông thường, vai trò của giáo dục chính thức đặc biệt quan trọng để hình thành kỹ năng cứng dần theo thời gian, cho tới khi đạt tới năng lực tự học.

Vì quá trình rèn luyện dài, vất vả và đi kèm với những kỳ thi chứng minh khả năng đã vượt qua các mức độ nhất định, các kỹ năng cứng được dành nhiều thời gian hơn kỹ năng mềm; và về tuần tự thời gian, thường được đầu tư trước khi sở hữu kỹ năng mềm trong cuộc sống.

Sự khác nhau giữa kỹ năng mềm và kỹ năng cứng

Như đã nói, kỹ năng mềm chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt, chúng quyết định khả năng bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo, thính giả, nhà thương thuyết hay người hòa giải xung đột. Những kỹ năng “cứng” ở nghĩa trái ngược thường xuất hiện trên bản lý lịch-khả năng học vấn của bạn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn.

Kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn hay bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị.

Kỹ năng mềm khác kỹ năng sống?

Khi bạn quan tâm tới các vấn đề về kỹ năng, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần nắm rõ là: Kỹ năng sống và kỹ năng mềm không phải là hai thứ khác nhau, và càng không phải là hai thứ giống nhau, mà kỹ năng mềm chính là một phần của kỹ năng sống, hay kỹ năng sống bao gồm kỹ năng mềm và một số kỹ năng khác.

Tầm quan trọng của kỹ năng mềm
Tầm quan trọng của kỹ năng mềm

Tầm quan trọng của kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm ngày được chứng minh có ảnh hưởng lớn đến sự thành bại trong sự nghiệp và cuộc sống của một cá nhân, tuy nhiên, tầm quan trọng của nó ít được giới sinh viên và phụ huynh nhắc đến. Bạn là một người đang có rất nhiều dự định và kế hoạch cho tương lai của chính bản thân mình và người thân, kỹ năng mềm có thực sự quan trọng đối với bạn ?

Bạn có chuyên môn giỏi, điều đó đã đủ để giúp bạn thành công? Bạn có biết chỉ 30% người có IQ cao đạt được thành công trong cuộc sống? Tại sao thanh niên Việt Nam học rất giỏi trên ghế nhà trường nhưng khi tốt nghiệp đi làm vẫn chưa đạt được thành công như mong muốn?

Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 15% là do những kiến thức chuyên môn, 85% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị (theo Wikipedia). Những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng “mềm”, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống hay còn gọi là kỹ năng “cứng”.

Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với sự thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc (theo BWPortal).

Những kỹ năng mềm quan trọng
Những kỹ năng mềm quan trọng

Những kỹ năng mềm quan trọng

Có sự tự tin, ý chí chiến thắng & Quan điểm lạc quan

Tất cả chúng ta đã từng nghe lời khuyên hãy nhìn cốc nước còn đầy một nửa tốt hơn là nhìn nó đã vơi đi một nửa. Ở nơi làm việc, cách nghĩ lạc quan này có thể giúp bạn phát triển trên một chặng đường dài. Tất cả mọi cái nhìn lạc quan đều dẫn đến một thái độ lạc quan và có thể là một vốn quý trong môi trường làm việc, đánh bại thái độ yếm thế và bi quan.

Chìa khóa để có một thái độ lạc quan là bạn giải quyết một sự trở ngại hay thách thức như thế nào khi gặp phải. Ví dụ, thay vì than phiền về khối lượng công việc gây stress, hãy nghĩ về nó như một cơ hội để thể hiện khả năng làm việc tích cực và hiệu quả của bạn.

Kỹ năng làm việc nhóm

Bạn có khả năng làm việc tốt theo nhóm? Bạn đóng góp tích cực và đôi khi như kiêm vai trò là người lãnh đạo?

  • Các nhà tuyển dụng rất thích những nhân viên thể hiện được khả năng làm việc tốt trong tập thể. Hòa đồng với tập thể không chỉ có nghĩa là có tính cộng tác mà còn thể hiện được khả năng lãnh đạo tốt khi có thời điểm thích hợp.
  • Có thể tới một lúc nào đó, sự xung đột xuất hiện trong tập thể của bạn, hãy tỏ ra chủ động dàn xếp. Khi bạn thấy tập thể của mình đang bị sa lầy trong một dự án, hãy cố gắng xoay chuyển tình thế, đưa cách giải quyết theo một hướng khác. Và bạn làm gì nếu bình thường bạn không làm việc trong một nhóm?

Hãy cố gắng tỏ ra sẵn sàng hợp tác trong công việc và thiết lập nên các mối quan hệ công việc với mọi đồng nghiệp nếu có thể. Học cách nói những điều bạn nghĩ như thế nào và thể hiện bằng ngôn ngữ cử chỉ ra sao.

Kỹ năng giao tiếp

Bạn có phải là người vừa biết nói chuyện, vừa biết lắng nghe? Bạn có thể chia sẻ những tình huống trong công việc và yêu cầu của mình với các đồng nghiệp, khách hàng… một cách tích cực và xây dựng. Kỹ năng giao tiếp tốt là một thế mạnh đối với bất cứ ai trong công việc. Giao tiếp là phương tiện cho phép bạn xây dựng cầu nối với đồng nghiệp, thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của bạn và bày tỏ được nhu cầu của bạn.

Nhiều điều nhỏ nhặt bạn đã từng thực hiện hàng ngày – có thể có những điều bạn không từng nghĩ đến lại có một sự ảnh hưởng rất lớn tới kỹ năng giao tiếp của bạn. Sau đây là những điều bạn nên lưu ý khi giao tiếp với những người khác. Nói chung, bạn nên để ý tới cách sử dụng từ ngữ của mình để tạo ấn tượng với người đối thoại. Cũng đừng quên rằng một trong những kỹ năng giao tiếp là biết lắng nghe.

Nếu bạn thiếu ngoại ngữ, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội làm việc ở các công ty lớn. Nếu bạn thiếu bằng cấp, bạn khó thăng tiến ở những bậc cao hơn. Nhưng thiếu Kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ bỏ lỡ tất cả: cơ hội tuyển dụng nghề nghiệp, những mối quan hệ và cơ hội được chứng tỏ bản thân mình kể cả trong công việc lẫn trong cuộc sống.

Sự tự tin

Bạn có thực sự tin rằng mình có thể làm được công việc này? Bạn có thể hiện thái độ bình tĩnh và tạo sự tự tin cho người khác? Bạn có khuyến khích được mọi người đặt các câu hỏi cần thiết để đóng góp ý kiến xây dựng? Trong hầu hết các trường hợp, khi bạn muốn gây ấn tượng với một ai đó, sự tự tin là một thái độ rất hiệu quả.

Trong khi sự khiêm nhường khi bạn nhận được lời tán dương là rất quan trọng thì sự thừa nhận thế mạnh của mình cũng quan trọng không kém. Hãy tin chắc rằng bạn có sự nhận biết và kỹ năng để có thể bày tỏ được sự tự tin của mình.

Kỹ năng tư duy sáng tạo

Bạn có thể thích nghi được với những tình huống và những thách thức mới? Bạn có sẵn sàng đón nhận những thay đổi và đưa ra những ý tưởng mới?

Tính sáng tạo và lối suy nghĩ thông minh được đánh giá cao ở bất cứ công việc nào. Thậm chí công việc mang tính kỹ thuật nhất cũng đòi hỏi khả năng suy nghĩ thoát ra khỏi khuôn khổ. Vì vậy đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của việc giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo.

Bạn có thể đang phải làm một công việc chán ngắt, buồn tẻ, hãy cố gắng khắc phục nó theo cách hiệu quả hơn. Khi một vấn đề khiến người ta phải miễn cưỡng bắt tay vào làm, hãy nghĩ ra một giải pháp sáng tạo hơn. Nếu không được, ít ra bạn đã từng thử nó.

Kỹ năng tiếp nhận và học hỏi

Bạn có thể biến những lời phê bình thành những kinh nghiệm và bài học cho bản thân? Bạn có thể học hỏi và tự phát triển để trở thành một người chuyên nghiệp?

Đây là một trong những kỹ năng mang tính thử thách nhất, và cũng chính là kỹ năng gây ấn tượng nhất đối với Nhà tuyển dụng. Khả năng ứng xử trước lời phê bình phản ánh rất nhiều về thái độ sẵn sàng cải thiện của bạn. Đồng thời có khả năng đánh giá, nhận xét mang tính xây dựng đối với công việc của những người khác cũng mang ý nghĩa quan trọng không kém.

Hãy nhận thức xem bạn thủ thế như thế nào khi phản ứng trước những lời nhận xét tiêu cực. Đừng bao giờ ném đá vào những lời phê bình mang tính xây dựng mà không nhận thấy rằng ít nhất nó cũng có ích một phần. Khi bạn đưa ra lời nhận xét với người khác, hãy thể hiện sao cho thật khéo léo và chân thành. Cố gắng dự đoán trước phản ứng của người nghe dựa vào tính cách của họ để có cách nói phù hợp nhất.

Thúc đẩy bản thân và dẫn dắt người khác

Một điều rất quan trọng đối với nhà tuyển dụng là làm sao để biết được bạn có là người năng động và hay đề ra các sáng kiến hay không? Điều này có nghĩa là bạn liên tục tìm ra những giải pháp mới cho công việc của mình khiến cho nó hấp dẫn hơn thậm chí đối với cả những công việc mang tính lặp đi lặp lại.

Sự sáng tạo có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy, nó khiến bạn đủ dũng cảm để theo đuổi một ý tưởng vốn bị mắc kẹt trong suy nghĩ và cuối cùng là bạn vượt qua được nó. Dẫn dắt những người khác theo cùng một hướng để đạt một mục đích chung, và người quản lý điều hành giỏi là người có thể lãnh đạo được người khác bằng chính tấm gương của mình.

Kỹ năng thiết lập và thực hiện mục tiêu

Bạn năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề chắc chắn sẽ nảy sinh trong quá trình làm việc? Bạn sẽ đảm nhận giải quyết công việc hay “nhường phần” cho người khác? Ở công sở ngày nay, một nhân viên tốt là một nhân viên có khả năng kiêm nhiệm thêm một số công việc khác, hay nhiều dự án cùng một lúc. Liệu bạn có thể theo dõi được tiến trình của các dự án khác nhau hay không?

Bạn có biết lựa chọn để ưu tiên những việc quan trọng nhất không? Nếu có thể, bạn được gọi là người đa năng. Đừng than phiền rằng bạn phải làm thêm các công việc khác. Hãy thể hiện khả năng đa kỹ năng của bạn. Chắc chắn cái bạn nhận lại sẽ là rất lớn như kinh nghiệm hay các mối quan hệ mới.

Có cái nhìn tổng quan

Có cái nhìn tổng quan về công việc có nghĩa là có khả năng xác định được các yếu tố dẫn tới thành công. Điều này cũng có nghĩa là nhận ra các nguy cơ tiềm ẩn và thời điểm nó xảy ra. Ví dụ như bạn làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và phải xây dựng một chiến dịch để quảng cáo cho một nhãn hiệu xà bông.

Nếu nhìn một cách tổng thể, bạn có thể nhận thấy rằng mục đích không chỉ là bán được hàng, mà còn làm thỏa mãn và thuyết phục khách hàng về chất lượng sản phẩm. Thêm vào đó, bạn còn phải tạo thêm giá trị cho công ty của bạn bằng cách chứng minh rằng tính sáng tạo độc nhất chỉ bạn mới có thể tạo ra.

Cái người Việt trẻ thiếu là Kỹ năng mềm
Cái người Việt trẻ thiếu là Kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu “Kỹ năng mềm”chứ không phải kiến thức cơ bản

Có nhiều bạn trẻ tâm sự với nhau “Khi học ở trường mình giỏi hơn nó, tốt nghiệp cũng xếp loại hơn nó, vậy mà giờ này nó thành đạt còn mình vẫn lông bông thất nghiệp”. Khi làm phép so sánh các bạn phải hiểu tại sao họ hơn mình, sự thành công của họ là dựa vào những kỹ năng mềm chứ không phải bằng cấp.

Phong cách sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới… đó là những “kỹ năng” thuộc về tính cách, không mang tính chuyên môn, nhưng lại là cực kỳ cần thiết cho con người trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi.

Những “kỹ năng” đó giúp con người có thể học tập, làm việc, phát triển đơn lẻ hoặc cộng đồng, thậm chí sinh tồn khi gặp bất trắc.

Thế nhưng số đông người trẻ – lực lượng lao động chính và tương lai của đất nước – vẫn chưa hề ý thức được việc phải tự trang bị cho mình những kỹ năng này ngoài bằng cấp chuyên môn.

Ví dụ: Intel đã từng thất vọng ê chề khi chỉ chọn được 40 trong số 2.000 nhân viên cần tuyển dụng cho dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, sinh viên ngành CNTT loại khá, giỏi vẫn ra trường hàng năm, các giải “Trí tuệ Việt Nam”, “Sao khuê”,… vẫn được trao đều đặn, các cuộc thi Olympic toán học, vật lý , tin học, … quốc tế, sinh viên, học sinh Việt Nam vẫn đoạt giải cao. Nói như vậy để thấy giới trẻ Việt Nam không hề yếu kiến thức, nhưng lại bị các nhà tuyển dụng đánh giá là “ngớ ngẩn” chỉ vì thiếu kỹ năng mềm. 

Câu hỏi liên quan đến kỹ năng mềm

Định nghĩa về kỹ năng mềm khá rộng nhưng theo tôi, kỹ năng mềm là khả năng, là cách thức chúng ta tiếp cận và phản ứng với môi trường xung quanh, không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kiến thức. Nhiều người cho rằng kỹ năng mềm chính là tính cách, là bẩm sinh. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, kỹ năng mềm là do chúng ta rèn luyện mà có.

Người Việt Nam đặc biệt yếu kỹ năng mềm vì nền văn hóa Việt là văn hóa cộng đồng, mọi cái tôi cá nhân đều bị triệt tiêu, mọi sự khác biệt đều bị cô lập và phản ứng. Từ nhỏ, chúng ta đã được dạy “trứng không được khôn hơn vịt”. Ở nhà, chúng ta không được phép nghĩ và làm trái ý bố mẹ. Đến trường, chúng ta không được nghĩ và làm trái với những gì thầy cô dạy.

Và kết quả là kỹ năng tư duy sáng tạo  của chúng ta bị giết chết ngay từ khi chưa kịp sinh ra. Học sinh nào dám giải bài theo cách khác với cách của thầy dạy thì lập tức bị trừ điểm, thậm chí bị đánh rớt (vì không đúng với đáp án). Chúng ta giống như những con ngựa bị chủ che mất tầm nhìn nên phải lầm lũi một đường mà tiến dù có khi con đường ấy chẳng sáng sủa gì.

Và vì chỉ biết nhìn thẳng nên kỹ năng nhận định và giải quyết vấn đề của chúng ta cũng yếu.(Có khó gì đâu mấy bài toàn đố, nhưng vì không nhận ra cái lắt léo được giấu trong đề bài nên ta không giải được). Vì quen sống trong cái tôi đơn độc, chúng ta trở thành những “viên kim cương” vững chắc lúc nào không hay. Những “viên kim cương” ấy không thể liên kết với cát, xi măng được và chúng ta không biết làm việc nhóm.

Chúng ta chỉ được dạy cách lắng nghe (vừa nghe vừa ngủ gật vì mỗi lần phát biểu chính kiến là ta bị “dập” và vì bị nghe nói dài lê thê không đầu không cuối nhiều quá) nên ta không biết “cách trình bày” (kỹ năng thuyết trình). Và cũng vì chỉ biết nghe hoặc nói một chiều nên kỹ năng giao tiếp của chúng ta cũng kém. Những kỹ năng mềm khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Nếu như trước đây, những người như nói trên được xem là ngoan hiền, mẫu mực được mọi người quý mến thì trong thời mở cửa hội nhập lại trở nên lạc hậu, thiếu khả năng thích ứng. Nhiều bạn trẻ học rất chăm, có nhiều bằng cấp,chứng chỉ tốt nhưng vẫn không vượt qua nổi vòng phỏng vấn tuyển dụng vì những câu hỏi “chẳng đâu vào đâu”. Và rồi khi làm việc thực tế thì chúng ta lại thiếu linh hoạt trong khi môi trường xung quanh luôn biến đổi và đòi hỏi mỗi ngày một cao hơn. Thế là ta thất bại.

Đào tạo kỹ năng mềm
Đào tạo kỹ năng mềm

Đào tạo những thái độ tích cực 

Nhà tuyển dụng thường đau đầu và thất vọng trước những ứng viên được đánh giá rất cao về kiến thức với những xấp bằng cấp sáng chói nhưng lại không thể đáp ứng được yêu cầu công việc, thậm chí có bạn không thể tồn tại nổi đến hết thời gian thử việc chỉ vì thiếu các kỹ năng làm việc cơ bản. Có hàng trăm kỹ năng mềm, nhưng tối thiểu để thành công, bạn cần có các kỹ năng sau:

Kỹ năng tư duy sáng tạo

Biết cách và dám suy nghĩ (tư duy) khác người đối với một thành viên trong xã hội có truyền thống văn hóa làng xã lâu đời như người Việt chúng ta là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không dám nghĩ khác thì chúng ta sẽ không bao giờ có được sự sáng tạo.

Và bạn hoàn toàn yên tâm về khả năng rèn luyện tư duy sáng tạo của mình vì nó rất đơn giản, vấn đề là bạn có vượt qua được chính mình để nghĩ và làm một cách khác hay không mà thôi. Và một điều hết sức hiển nhiên là thành quả của sự sáng tạo dù ở bất cứ lĩnh vực nào, lúc nào cũng được đánh giá cao.

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Biết đâu là vấn đề quan trọng để giải quyết trong vô số hiện tượng phát sinh quanh mình là một kỹ năng hết sức quan trọng. Người thành công không phải là người làm (giải quyết) tất cả công việc (sự việc, hiện tượng) phát sinh hay nhìn thấy mà là người biết đâu là việc quan trọng để làm. Làm đúng việc bao giờ cũng đáng giá gấp nhiều lần làm việc đúng. Dĩ nhiên làm đúng việc và đúng cách nữa thì sẽ càng thành công hơn.

Kỹ năng quản lý thời gian

Đôi lúc chúng ta thấy mình ngập chìm trong biển công việc. Nhưng nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy những người thành đạt lại thường rất an nhàn. Được như vậy là nhờ họ biết chọn đâu là việc quan trọng và phân bố thời gian hợp lý để giải quyết. Theo thống kê, chỉ 20% công việc quan trọng lại tạo nên 80% hiệu quả. Vì vậy, bạn chỉ cần dành thời gian để giải quyết 20% công việc (vấn đề) để thành công. Đừng cố sức làm tất cả chỉ để đạt 20% hiệu quả.

Kỹ năng làm việc nhóm

Mỗi người luôn có thế mạnh và điểm yếu riêng. Vì vậy, nếu biết kết hợp với nhau, chúng ta sẽ tạo thành một sức mạnh to lớn. Hơn nữa, không ai có thể cáng đáng hết mọi việc. Tuy nhiên, với người Việt thì kỹ năng làm việc nhóm lại rất yếu.

Nguyên nhân: cũng lại văn hóa, chúng ta luôn được dạy “dĩ hòa vi quý” nên thường chỉ chăm chăm đi tạo mối quan hệ chứ không dám tranh luận khi cần thiết, một hoạt động không thể thiếu trong làm việc nhóm. Nhưng chúng ta lại dễ dàng dẫn đến cãi vã vặt vãnh theo kiểu công tư lẫn lộn khi bị chạm tự ái (cái tôi kim cương của mình). Đó cũng là việc bạn phải học và rèn luyện.

Kỹ năng giao tiếp

Người Việt chúng ta thường mắc lỗi giao tiếp lớn nhất là giao tiếp một chiều. Thường là chỉ “giao” mà không “tiếp”. Nghĩa là chỉ nói hoặc viết và truyền đi mà không lắng nghe hoặc tiếp nhận thông tin phản hồi. Một lỗi khác cũng tác hại không kém là khi giao tiếp lại quá chú trọng vào con người (cá nhân, đối tượng giao tiếp) mà không để tâm đến mục đích giao tiếp (sự kiện, vấn đề).

Điều này thường dẫn đến hiện tượng nói tràng giang đại hải, không đầu không cuối, đang nói vấn đề này lại chen vào vấn đề khác làm cho người nghe không thể hiểu nổi hoặc chưa đi vào mục tiêu vấn đề đã vội chỉ trích cá nhân (chủ thể của vấn đề) gây “phản ứng tự vệ”. Phần người nghe cũng thế, chưa kịp nhận thức vấn đề nhưng cứ thấy ai bàn về vấn đề của mình thì vội vàng “tự vệ”.  Vì vậy, nếu biết tập trung vào mục tiêu, biết lắng nghe thì bạn sẽ giao tiếp hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ có kiến thức và kỹ năng tốt nhưng không có thái độ làm việc tốt, bạn cũng chưa thể thành công. Bạn chỉ thành công khi hội đủ 03 yếu tố: kiến thức tốt, kỹ năng tốt và thái độ tích cực được viết tắt từ:  K: Knowledge (kiến thức), S: Skill (kỹ năng),  A: Attitude/ Actitive ( tố chất, thái độ, tâm huyết)

Ngoại trừ tố chất là yếu tố bẩm sinh, chúng ta không bàn trong bài biết này và gần như không thay đổi được. Tất cả chúng ta đều có thái độ, có tâm huyết nhưng vấn đề là thái độ, tâm huyết thế nào. Người được gọi là chuyên nghiệp thì ngoài việc phải có kiến thức, kỹ năng tốt còn cần phải có thái độ tích cực. Chính vì vậy, có người viết thêm dấu “+” vào để nhấn mạnh ý này. (Và tôi chọn cách viết này, vì tôi cho đó là yếu tốt quan trọng để phân biệt đâu là người giỏi và người chuyên nghiệp).

Câu hỏi đặt ra thế nào là thái độ tích cực?

Thái độ tích cực là: đạo đức nghề nghiệp, là nuôi dưỡng niềm đam mê (tâm huyết), là nhiệt tình, là trung thực, là cầu tiến,… Bạn thử tưởng tượng xem, một nhân viên IT không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng đánh cắp dữ liệu hay phá hỏng dữ liệu khi có mâu thuẫn với ai đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Một nhân viên bảo trì không có nhiệt tình, không sẵn sàng làm việc ngoài giờ thì sao? (Cả công ty bạn phải dừng việc để cho một mình nhân viên này làm?). Hay một thủ quỹ lại thiếu tính trung thực thì bạn có yên tâm được không? Và tất cả những điều đó đều có thể học được.

Thành công nhờ kỹ mềm
Thành công nhờ kỹ mềm

Chiếm 75% -> 85% khả năng thành đạt

Vấn đề của số đông người trẻ hiện nay là vẫn xem thuật ngữ “kỹ năng mềm” là thứ gì đó cao siêu, ngại tiếp cận. Thực tế, đó chỉ là những phản xạ hết sức cơ bản trong cuộc sống hàng ngày.

Phần đông những người Việt trẻ chỉ chăm chăm gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những kỹ năng “cứng” (hard skills), nghĩa là những thứ thường xuất hiện trên hồ sơ xin việc làm: bằng cấp, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc…, thế nhưng trên thực tế, World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã gọi thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế dựa vào kỹ năng (Skills Based Economy).

Năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ; các nghiên cứu của nhiều tổ chức xã hội đã cho thấy để thành đạt trong sự nghiệp thì KNM (trí tuệ cảm xúc) chiếm đến 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%.

Các nhà tuyển dụng vẫn thường nhắc lại một câu chuyện, cách đây chưa lâu, Tập đoàn sản xuất chip vi tính lớn nhất thế giới Intel (Mỹ) từng thất vọng khi tuyển 2.000 nhân viên cho dự án đầu tư vào VN, nhưng chỉ có vẻn vẹn 40 ứng viên đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng mềm.

Rất nhiều ứng viên còn lại có kiến thức chuyên môn tốt nhưng hổng về kỹ năng mềm nghiêm trọng. Và Intel không phải là trường hợp cá biệt, có đến 80% nhà tuyển dụng than phiền rằng nhân viên trẻ quá yếu kỹ năng mềm, lơ ngơ, không đáp ứng được công việc dù có bằng cấp tốt.

Cần nhất là thái độ cầu tiến

Tuy quan trọng là thế, những kỹ năng mềm chưa thực sự được ngành giáo dục nước ta chú trọng, các bạn trẻ phải tự tích lũy là chính.

Ví dụ: Lương Thế Vinh – Người vừa đạt điểm thủ khoa ngành Kinh tế tại trường ĐH Cambridge (Anh) – chia sẻ: “Mọi người vẫn thường nghĩ rằng những học sinh được nhận vào Cambridge ắt hẳn phải vô cùng xuất sắc, có trình độ tiếng Anh siêu đẳng và kiến thức phổ thông rất giỏi, nhưng sự thật lại khác.

Họ tìm những người sẽ giỏi, chứ chưa hẳn tìm những người đang giỏi. Đơn giản hơn, họ sẽ chiêu sinh những bạn trẻ có kỹ năng mềm cao. Đó là có hoài bão, có khát vọng, có kỹ năng để thực hiện những điều mình mơ ước. Nhưng hơi tiếc là ở Việt Nam, đa số học sinh chưa được trang bị kỹ năng mềm nên mất điểm khi thi tuyển rất nhiều”.

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Giáo dục VN, có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% sinh viên ra trường không tìm được việc làm do không đáp ứng đươc nhu cầu về kỹ năng mềm. Điều đó lý giải tại sao rất nhiều sinh viên sớm bươn chải, đi làm thêm khi còn đi học đã thành công hơn những “mọt sách”.

Đã có không ít những bạn sinh viên chỉ biết chăm chú với bài vở, đạt điểm rất cao nhưng ra trường không xin được việc làm hoặc chỉ làm nhân viên bình thường. Người Việt thường gọi những người bằng cấp không cao nhưng sớm thành đạt là những người “lanh”, thực chất “lanh” cũng là kỹ năng mềm.

Khi trường học không có nội dung đào tạo kỹ năng mềm, nhiều trung tâm đã mở ra các lớp đào tạo để đáp ứng nhu cầu cho bạn trẻ. Hầu hết các trung tâm đều giảng dạy theo hình thức trải nghiệm (trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm, trò chơi, bài tập…). Các giảng viên dựa trên cách tiếp cận người học để khơi dậy sự vận động của học viên.

Cách làm này khá hiệu quả, nhưng thực tế cho thấy, những lớp học này vẫn đìu hiu vì ít bạn trẻ chịu bỏ thời gian và tiền bạc để giam mình vào một lớp học dạng như thế này. Cách hiệu quả hơn là tạo các sân chơi mở để các bạn trẻ được vui chơi, vừa được giải trí vừa tự thu lượm kỹ năng cho mình.

Dù thiếu trầm trọng kỹ năng mềm nhưng nhiều người trẻ vẫn… không biết mình đang thiếu, và nếu nhận thức được cái sự thiếu ấy của mình, cũng chưa hẳn tìm được cách để trang bị thật nhanh, kịp với nhu cầu của cuộc sống.

Câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì quyết định đến thành công của việc thực hiện kỹ năng mềm?” thật ra lại khá đơn giản:

Đó không phải vì điều kỳ diệu từ những kỹ năng học được mà chính là thái độ cầu tiến trong mỗi người, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, cũng như chấp nhận thất bại một cách đúng đắn. Kỹ năng mềm có thể được học và rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi và không chỉ bó hẹp trong những tiêu chuẩn, chuẩn mực mà sách vở và các chuyên gia đã liệt kê. Và như vậy, chỉ cần có ý chí cầu tiến, sẵn sàng thay đổi và hòa đồng, mỗi người có thể đưa ra những khái niệm và tự rèn luyện kỹ năng mềm cho chính mình, với nhiều cách khác nhau.

Hotelcareers.vn vừa chia sẻ với các bạn Kỹ năng mềm là gì? Hi vọng, những kiến thức này sẽ giúp ích cho các bạn trong công việc cũng như trong cuộc sống. Chúc các bạn sức khỏe và thành công!

4.9/5 - (50 votes)