Thu ngân là gì? Toàn tập nghề thu ngân

Thu ngân dù không phải là nghề nghiệp được đào tạo chính thức, nhưng nghề thu ngân lại là nghề thu hút rất nhiều lao động, đem lại thu nhập và cơ hội phát triển. Hôm nay, Hotelcareers sẽ chia sẻ với các bạn Thu ngân là gì? Tất cả những gì cần biết về nghề thu ngân.

Thu ngân là gì?
Thu ngân là gì?

Thu ngân là gì?

Thu ngân (cashier) là người chịu trách nhiệm thu tiền và thực hiện các giao dịch tài chính cho nhà hàng, khách sạn, tổ chức hoặc doanh nghiệp. Vai trò của thu ngân thường liên quan đến việc xử lý thanh toán từ khách hàng hoặc người mua hàng và cung cấp hóa đơn hoặc biên lai để chứng minh giao dịch đã được thực hiện. Thu ngân thuộc bộ phận Tài chính kế toán, chịu sự quản lý của Kế toán tổng hợp hoặc Kế toán trưởng.

Công việc của một thu ngân thường bao gồm các nhiệm vụ sau:

  1. Thu tiền: Thu ngân tiếp nhận tiền mặt hoặc thanh toán từ khách hàng hoặc người mua hàng sau khi họ đã mua sản phẩm hoặc dịch vụ.
  2. Xác định số tiền đúng: Thu ngân phải chắc chắn rằng số tiền được thu là chính xác và trùng khớp với giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ đã được cung cấp.
  3. Cấp hóa đơn hoặc biên lai: Sau khi thu tiền, thu ngân cung cấp hóa đơn hoặc biên lai cho khách hàng để xác nhận giao dịch đã diễn ra.
  4. Quản lý tiền mặt: Thu ngân phải quản lý và bảo quản tiền mặt một cách an toàn, bao gồm việc đếm, kiểm tra và đóng gói nó cho sự bảo mật.
  5. Xử lý thanh toán không dùng tiền mặt: Ngoài việc thu tiền mặt, thu ngân có thể xử lý thanh toán không dùng tiền mặt bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc các phương tiện thanh toán điện tử khác.
  6. Báo cáo và ghi chép: Thu ngân thường phải ghi chép và báo cáo về các giao dịch tài chính hàng ngày hoặc định kỳ cho các bộ phận quản lý tài chính hoặc kế toán.

Vai trò của thu ngân quan trọng trong việc đảm bảo sự chính xác và bảo mật trong quản lý tiền bạc của nhà hàng, khách sạn, tổ chức hoặc doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ khách hàng.

Bản mô tả công việc nhân viên thu ngân

Thu ngân siêu thị
Thu ngân siêu thị

Thu ngân siêu thị

Nhiệm vụ chính Công việc cụ thể
Chuẩn bị công việc vào ca
  • Kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị tính tiền tại quầy phụ trách.
  • Kiểm đếm số tiền được giao, phân loại theo từng loại mệnh giá
  • Bổ sung giấy in phiếu tính tiền, túi đựng hàng hóa… đủ dùng cho ca làm việc.
Thực hiện quy trình thanh toán cho khách mua hàng
  • Quét mã hàng hóa, tính tiền tất cả các mặt hàng khách mua – đảm bảo đúng số lượng, giá tiền.
  • Phân loại hàng quét mã xong vào từng túi đựng thích hợp: túi đựng bánh kẹo, túi đựng rau, túi đựng thịt cá…
  • Thông báo tổng số tiền khách cần thanh toán – hỏi khách có thẻ thành viên không để áp dụng quyền lợi cho khách hàng.
  • Thông báo cho khách biết mua thêm mặt hàng nào đó với mức giá ưu đãi tương ứng tổng giá trị hàng đã mua.
  • Nhận tiền từ khách mua hàng => Nhập số tiền vào máy  =>  Tính số tiền thừa trả lại khách.
  • Mở hộc đựng tiền, bỏ tiền vào – phân loại theo từng mệnh giá – lấy tiền thừa trả lại cho khách cùng với phiếu tính tiền.
  • Với khách sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán chi phí mua hàng, cần kiểm tra số thẻ và cà thẻ chính xác.
Sắp xếp công việc cuối ca
  • Kiểm đếm tiền chính xác, bàn giao cho ca tiếp theo hoặc cho Quản lý thu ngân.
  • Ghi lại các công việc chưa xử lý xong trong ca vào sổ bàn giao ca.
  • Vệ sinh khu vực quầy thu ngân làm việc.
Công việc khác
  • Hướng dẫn khách mua hàng biết các sản phẩm đang áp dụng chương trình khuyến mãi
  • Hướng dẫn khách đến quầy thông tin làm thẻ thành viên – hưởng các chương trình ưu đãi
  • Tiếp nhận và xử lý các yêu cầu đổi/ trả hàng – giải quyết khiếu nại.
  • Tư vấn các dịch vụ khách mua hàng thắc mắc.
  • Báo cáo sự cố phát sinh trong ca làm việc cho Quản lý cấp trên.
Thu ngân nhà hàng
Thu ngân nhà hàng

Thu ngân nhà hàng

Nhiệm vụ chính Công việc cụ thể
Các công việc đầu ca
  • Kiểm tra toàn bộ quầy thu ngân: các máy móc, thiết bị, dụng cụ… vẫn đảm bảo làm việc tốt.
  • Kiểm tra số lượng biểu mẫu, giấy in hóa đơn thanh toán có đủ dùng trong ca làm việc không, chủ động bổ sung kịp thời.
  • Xem xét số lượng tiền lẻ, chủ động đổi tiền để đáp ứng định ứng cho ca làm việc.
  • Kiểm tra hóa đơn giá trị gia tăng của ca trước, báo cáo quản lý khi phát hiện sai sót.
Ghi nhận thông tin order
  • Nhận liên order từ nhân viên phục vụ, thực hiện nhập thông tin vào phần mềm thu ngân.
  • Đảm bảo các thông tin được nhập đủ và chính xác để khi in hóa đơn thanh toán cho khách không xảy ra sai sót.
Thực hiện quy trình thanh toán cho khách
  • Nhận yêu cầu thanh toán từ nhân viên phục vụ, in hóa đơn thanh toán – kiểm tra tính chính xác và chuyển cho phục vụ kiểm tra lại trước khi mang ra cho khách.
  • Nếu khách có voucher khuyến mãi, coupon giảm giá hay thẻ VIP thì áp dụng trừ vào hóa đơn thanh toán của khách.
  • Khi khách thanh toán bằng tiền mặt: Nhận tiền thanh toán trực tiếp từ khách hoặc từ nhân viên phục vụ, kiểm đếm kỹ, kiểm tra tiền thật – giả, phân loại và cất vào ngăn kéo theo mệnh giá; thối lại tiền thừa – nếu có.
  • Trường hợp khách thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhân viên thu ngân cần phải kiểm tra mã số thẻ, thực hiện thao tác cà thẻ chính xác và đối chiếu chữ ký của khách.
  • Kiểm tra lại các thông tin trên hóa đơn, đảm bảo tính chính xác và giao hóa đơn cho khách.
  • Lưu vào sổ theo dõi hóa đơn số lượng hóa đơn đã xuất ra trong ca làm việc.
Hỗ trợ, xử lý các vấn đề phát sinh trong ca làm việc
  • Ghi nhận thông tin order nếu khách order trực tiếp tại quầy thu ngân.
  • Phối hợp với nhân viên phục vụ tách – ghép bàn, quan sát khách – đảm bảo tất cả khách đến dùng bữa tại nhà hàng phải thanh toán đầy đủ trước khi rời đi.
  • Phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh với nhân viên phục vụ như: khách hủy món đã gọi, in sai hóa đơn…
  • Nhanh chóng báo cáo với cấp trên các sự cố phát sinh với máy móc – thiết bị phục vụ hoạt động tính tiền cho khách để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
  • Thực hiện yêu cầu đổi tiền mặt cho khách nhưng vẫn phải đảm bảo đủ định mức quy định.
Các công việc cuối ca
  • Thực hiện việc kiểm – đếm số tiền thu được trong ca phục vụ, đảm bảo khớp với số liệu ghi nhận trong phần mềm thu ngân và tiến hành bàn giao cho người nhận theo mẫu của nhà hàng cùng với bản in các báo cáo ca, giao dịch thẻ, settlement…
  • Thực hiện việc lập các báo cáo hàng ngày: báo cáo cân đối chi tiết bán hàng, bảng cân đối bán hàng thực tế, báo cáo doanh thu… theo quy định của nhà hàng. (Với thu ngân ca tối).
  • Sắp xếp lại các loại giấy tờ, chứng từ, hóa đơn… cho gọn gàng.
  • Lưu các nội dung cần lưu ý vào sổ giao ban thu ngân.
  • Vệ sinh sạch sẽ khu vực làm việc.
Các công việc khác
  • Sẵn sàng cung cấp thông tin về các chương trình ưu đãi, khuyến mãi cho thực khách.
  • Hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên thu ngân mới khi được yêu cầu.
  • Tham gia đầy đủ các cuộc họp, chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động – kinh doanh của nhà hàng.
  • Tham gia đầy đủ các buổi đào tạo, bồi dưỡng khi được tạo điều kiện.
  • Thực hiện các công việc khác khi có yêu cầu từ cấp trên.

Kỹ năng cần có của thu ngân

Kỹ năng phân biệt tiền thật, tiền giả

Là nhân viên thu ngân, bạn thường xuyên phải tiế xúc với các loại tiền, các loại mệnh giá khác nhau. Vì vậy, bạn cần phải có kỹ năng phân biệt tiền thật, tiền giả. Dưới đây là một số cách kiểm tra nhanh bằng tay hoặc mắt thường để phân biệt tiền thật, tiền giả của Ngân hàng Nhà nước

Vuốt nhẹ tờ tiền

Khi vuốt nhẹ tờ tiền, nếu là tiền thật, bạn sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của các yếu tố in nổi như: Quốc hiệu, Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, mệnh giá tiền bằng chữ và bằng số. Ngược lại, bạn sẽ chỉ cảm nhận được cảm giác trơn lì, không nhám ráp ở tờ tiền giả.

Kiểm tra các cửa sổ trong suốt
Kiểm tra các cửa sổ trong suốt

Kiểm tra các cửa sổ trong suốt

Với tờ tiền thật, tại cửa sổ trong suốt lớn (chi tiết nền nhựa trong suốt 2 mặt nằm ở bên phải mặt trước hoặc bên trái mặt sau của tờ tiền) sẽ có mệnh giá tiền được in dập nổi tinh xảo. Còn tại cửa sổ trong suốt nhỏ (chi tiết nền nhựa trong suốt 2 mặt ở bên trái mặt trước hoặc bên phải mặt sau của tờ tiền) sẽ có yếu tố hình ẩn DOE, khi đưa cửa sổ nhỏ này đến gần mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ nhỏ đến nguồn sáng (bóng đèn, ngọn lửa…) sẽ thấy hình ẩn DOE hiện xung quanh nguồn sáng.

Hình ẩn DOE
Hình ẩn DOE

Còn với tiền giả, khi kiểm tra bạn sẽ thấy mệnh giá tiền dập nổi tại cửa số lớn được in không tinh xảo và tại cửa sổ nhỏ sẽ không có yếu tố hình ẩn DOE xuất hiện.

Chao nghiêng tờ tiền để kiểm tra mực đổi màu, dải iriodin

Mực đổi màu
Mực đổi màu

Mực đổi màu có biểu tượng là hình hoa văn, chỉ có ở 3 mệnh giá tiền là 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Nếu là tiền thật, khi chao nghiêng sẽ thấy mực đổi màu từ xanh lá cây sang vàng hoặc ngược lại. Với tiền giả sẽ không đổi màu.

Dải iriodin
Dải iriodin

Dải iriodin xuất hiện trên các mệnh giá tiền 10.000đ, 20.000đ, 100.000đ, 200.000đ, 500.000đ, là dải màu vàng chạy ngang mặt sau tờ tiền (riêng với tờ mệnh giá tiền 100.000đ thì nằm ở mặt trước). Khi chao tờ tiền thật, bạn sẽ thấy trên dải iriodin có hoa văn hoặc mệnh giá tiền lấp lánh ánh kim. Với tiền giả sẽ không có dải iriodin này hoặc có nhưng không lấp lánh như tờ tiền thật.

Soi tiền trước nguồn sáng, kiểm tra hình bóng chìm và hình định vị

Hình bóng chìm trước nguồn sáng
Hình bóng chìm trước nguồn sáng

Khi soi hình bóng chìm trước nguồn sáng (Chùa Một Cột: mệnh giá 10.000đ và chân dung Chủ tịch HCM: từ 20.000đ đến 500.000đ) bạn sẽ thấy hình hiện lên với đường nét tinh xảo, sáng trắng. Ngược lại với tiền giả, bạn sẽ thấy chi tiết này được in không tinh xảo.

Hình định vị
Hình định vị

Hình định vị sẽ có họa tiết như thế này, khi soi trước nguồn sáng, hình định vị hai mặt tờ tiền thật sẽ khít nhau tạo thành 1 hình ảnh hoàn chỉnh, các khe trắng đều nhau. Còn với tiền giả, chi tiết này sẽ không khít và các khe trắng cũng không đều nhau.

Kiểm tra chất liệu in tiền

Tiền thật sẽ có độ bền và độ đàn hồi cao nên khi nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay rồi thả ra sẽ thấy tờ tiền trở về trạng thái ban đầu. Hoặc khi xé – kéo nhẹ ở phía mép, tờ tiền sẽ khó rách, khó giãn. Còn với tờ tiền giả, do được in bằng chất liệu nilon nên sẽ không có độ bền, độ đàn hồi đặc trưng như tiền thật, khi thực hiện các thao tác tương tự, tờ tiền sẽ không thể trở về trạng thái ban đầu, dễ bị rách, giãn.

Ngửi tờ tiền

Tờ tiền polymer thật sẽ có mùi chất liệu polymer đặc trưng, còn với tiền giả bạn sẽ ngửi thấy mùi bao nilon, mùi nhựa. Với cách này, bạn chỉ cần giũ nhẹ sấp tiền ngang mũi là có thể phát hiện được mà không cần phải kiểm tra từng tờ.

Kỹ năng sử dụng phần mềm bán hàng

Phần lớn các điểm bán hàng đều lắp đặt máy POS (dạng máy tính có cài đặt phần mềm bán hàng, màn hình cảm ứng). Nhân viên thu ngân sẽ được đào tạo về cách sử dụng phần mềm này, nhiệm vụ của các bạn là rèn luyện thành thạo kỹ năng sử dụng, đảm bảo tính chính xác, giảm thời gian chờ đợi của khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm bán.

Kỹ năng sử dụng máy quẹt thẻ

Là nhân viên thu ngân ngoài tiếp nhận thanh toán bằng tiền mặt, các bạn sẽ phải thanh toán bằng thẻ cho khách. Vì vậy, các bạn cần biết được các loại thẻ thanh toán và cách quẹt thẻ.

Phân biệt các loại thẻ

  • Thẻ thanh toán quốc tế: Là các loại thẻ chấp nhận thanh toán toàn cầu như thẻ Visa (số thẻ bắt đầu bằng số 4), Master (số thẻ bắt đầu bằng số 5), JCB (số thẻ bắt đầu bằng số 62), tất cả các loại thẻ đều in hình logo và tên thẻ.
  • Thẻ thanh toán nội địa (ATM): Trên thẻ có in hình logo ngân hàng, số thẻ bắt đầu là số 9704.
Cách quẹt thẻ
Cách quẹt thẻ

Cách quẹt thẻ

  • Cách quẹt thẻ chip: Chèn thẻ vào khe đọc, hướng mặt Chip lên trên, giữ thẳng thẻ và chèn phần có mạch chip vào thân máy.
  • Cách quẹt thẻ từ: Cầm thẻ ngang, quẹt thẻ để phần từ hướng xuống dưới, áp mặt từ vào thân máy, quẹt thẻ theo hướng từ đầu đến cuối khe đọc thẻ.

Kỹ năng sử dụng máy in hóa đơn

Hệ thống phần mềm quản lý bán hàng (POS) hiển thị tất các hàng hóa, dịch vụ khách hàng mua thành danh sách bao gồm tên, số lượng, giá tiền, thuế, tổng tiền và sẽ được kết nối với máy in hóa đơn (in bill), nhiệm vụ của bạn là kiểm tra, in ra cho khách xem và thu tiền của khách.

Bạn sẽ được đào tạo về cách sử dụng máy in hóa đơn, kỹ năng bạn cần rèn là thao tác chính xác và xử lý các lỗi lặt vặt như: điện không vào, không kết nối đến máy POS, hết mực, hết giấy, kẹt giấy,…

Kỹ năng sử dụng máy đọc mã vạch

Nhân viên thu ngân tại các siêu thị sẽ nhập thông tin hàng hóa và giá thông qua máy quét mã vạch, công việc này khá đơn giản, độ chính xác cao. Nhưng đối với những hàng hóa không có mã vạch hoặc mã vạch bị mờ, bị nhòe máy không đọc được, lúc này thu ngân cần có kỹ năng đọc mã sản phẩm và tìm kiếm trong hệ thống phần mềm.

Yêu cầu đối với nhân viên thu ngân
Yêu cầu đối với nhân viên thu ngân

Yêu cầu đối với nhân viên thu ngân

Theo như Bản mô tả công việc nhân viên thu ngân, để đảm nhiệm vị trí này, bạn cần có bẳng THPT, chứng chỉ, bằng cấp chuyên ngành kế toán hoặc các chuyên ngành liên quan.

  •  Giao tiếp Tiếng Anh cơ bản.
  • Thành thạo vi tính văn phòng, đặc biệt là MS Excel
  • Ưu tiên biết sử dụng phần mềm bán hàng.
  • Sức khỏe tốt, ngoại hình khá, chăm chỉ chịu khó.
  • Chịu được áp lực công việc (làm việc theo ca, tăng ca, làm ngày lễ tết).
  • Khả năng giao tiếp nhẹ nhàng, khéo léo.
  • Nhanh nhẹn, nhiệt tình, trung thực, chuyên tâm với công việc.
  • Có kinh nghiệm làm tại các siêu thị, nhà hàng khách sạn là một lợi thế.

Thu nhập của nhân viên thu ngân

Theo ghi nhận của Hotelcareers.vn vị trí nhân viên thu ngân thường có thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn, tùy thuộc vào yêu cầu công việc và quy mô của công ty.

Tải bản mô tả công việc nhân viên thu ngân

Download “Bản mô tả công việc thu ngân siêu thị”

Ban-mo-ta-cong-viec-thu-ngan-sieu-thi.docx – Downloaded 1758 times – 29.42 KB

Download “Bản mô tả công việc thu ngân nhà hàng”

Ban-mo-ta-cong-viec-nhan-vien-thu-ngan.docx – Downloaded 2805 times – 35.99 KB
4.9/5 - (30 votes)