Housekeeping là gì? Vị trí công việc Housekeeping

Housekeeping dịch ra tiếng Việt là dọn phòng, nhân viên dọn phòng, bộ phận dọn phòng… Vậy, thực chất Housekeeping là gì? Hãy cùng Hotelcareers.vn tìm hiểu nào.

Housekeeping là gì?
Housekeeping là gì?

Housekeeping là gì?

Housekeeping là thuật ngữ thông dụng trong ngành khách sạn, chỉ những người làm trong bộ phận buồng phòng của cơ sở lưu trú. Nhiệm vụ cơ bản của Housekeeping là duy trì mức độ sạch sẽ của phòng khách, khu vực công cộng theo đúng tiêu chuẩn của khu lưu trú.

Housekeeping team
Housekeeping team

Housekeeping có những vị trí công việc gì?

  • Executive Housekeeper – Trưởng bộ phận buồng phòng: Là người chịu trách nhiệm quản lý điều hành toàn bộ hoạt động của bộ phận Housekeeping. Có trách nhiệm xây dựng quy trình và tiêu chuẩn làm việc cho nhân viên bộ phận. Quản lý và điều phối các hoạt động của bộ phận. Giải quyết các yêu cầu, phàn nàn của khách hàng. Tuyển chọn và đào tạo nhân sự cho bộ phận. Báo cáo trực tiếp cho giám đốc điều hành. Tham gia đầy đủ các cuộc họp với ban giám đốc.
  • Housekeeping Assistant Manager – Trợ lý quản lý buồng phòng: Thay mặt trưởng bộ phận điều hành hoạt động của bộ phận. Đảm bảo chất lượng phòng khách đúng tiêu chuẩn. Đảm bảo tất cả các quy trình được thực hiện đúng và đầy đủ. Làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến buồng phòng. Tham gia giải quyết khiếu nại của khách hàng. Tham gia đào tạo nhân viên. Giám sát kế hoạch sửa chữa, bảo trì… Báo cáo trực tiếp cho trưởng bộ phận.
  • Housekeeping Supervisor – Giám sát buồng phòng: Giám sát công việc nhân viên buồng phòng. Giám sát chất lượng buồng phòng. Giám sát khu vực vệ sinh tầng. Theo dõi tình trạng phòng. Kiểm soát, theo dõi tình trạng hoạt động của các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất. Đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên buồng phòng. Báo cáo công việc với trưởng bộ phận.
  • Floor Supervisor – Giám sát tầng: Chịu trách nhiệm duy trì sự sạch sẽ, ngăn nắp tại khu vực tầng làm việc và các phòng lưu trú của khách. Đồng thời phối hợp hoạt động quản lý hàng ngày và duy trì các tiêu chuẩn hoạt động quản lý. Lên kế hoạch làm vệ sinh, hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát nhân viên. Kiểm soát việc chi phí liên quan đến tài chính, tài sản của khách sạn. Đào tạo và hướng dẫn nhân viên cách làm việc theo tiêu chuẩn. Báo cáo cho Giám sát buồng phòng.
  • Room Attendant – Nhân viên dọn phòng: Nhiệm vụ chính là dọn dẹp và làm vệ sinh phòng khách theo đúng tiêu chuẩn của khách sạn. Xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình dọn phòng. Kiểm phòng khi khách check out. Báo cáo cho giám sát hoặc trưởng bộ phận.
  • Public Area Attendant – Nhân viên vệ sinh công cộng: Chịu trách nhiệm làm vệ sinh các khu vực công cộng (sảnh, nhà hàng, spa, gym…) được phân công theo lịch hàng ngày. Làm vệ sinh các khu vực được phân công theo định kỳ. Giải quyết những yêu cầu, phàn nàn của khách. Bảo quản máy móc, thiết bị, dụng cụ. Báo cáo trực tiếp cho giám sát hoặc trưởng bộ phận.
  • Linen/Uniform Attendant – Nhân viên kho vải/ Đồng phục: Chịu trách nhiệm giao nhận đồ vải (Chăn, ga, gối, đệm, khăn trải, đồ của khách, đồng phục nhân viên…), sắp xếp và bảo quản đồ vải, kiểm kê, thống kê số lượng. Báo cáo cho giám sát hoặc trưởng bộ phận.
  • Laundry Attendant – Nhân viên gặt là: Thực hiện tiếp nhận đồ giặt là từ các phận trong khách sạn. Phân loại đồ cần giặt. Thực hiện việc giặt tay và giặt máy. Thực hiện việc là quần áo của khách, đồng phục khách sạn, khăn bàn… Mang đồ vải sạch trả về kho quy định. Kiểm tra và làm sạch lưới lọc của máy giặt và máy sấy sau mỗi lần giặt. Thực hiện việc vệ sinh, lau chùi các dụng cụ trong phòng giặt. Thực hiện việc vệ sinh chậu giặt, sàn, bàn trong phòng giặt cuối mỗi ca làm việc. Đảm bảo các thiết bị điện trong phòng giặt được tắt trước khi ra về. Thực hiện các công việc khác do giám sát, quản lý phân công.
  • Gardener/ Pest Control – Nhân viên làm vườn / Diệt côn trùng: Chịu trách nhiệm vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ khu vực sân và đường nội bộ khách sạn. Chăm sóc, quản lý cây cảnh của khách sạn. Bảo quản công cụ dụng cụ (CCDC) và trang thiết bị (TTB) sử dụng chăm sóc cây cảnh. Diệt côn trùng.
  • Baby Sitter – Nhân viên trông trẻ: Chịu trách nhiệm trông giữ, chăm sóc và chơi với trẻ. Vệ sinh nhà trẻ và hỗ trợ tổ chức các sự kiện giành cho trẻ em.
  • Order Taker – Nhân viên điều phối: Chịu trách nhiệm giữ mối liên lạc giữa bộ phận buồng phòng với bộ phận lễ tân hoặc các bộ phận khác trong khách sạn liên quan đến các yêu cầu của khách như đổi phòng, các yêu cầu sửa chữa và các vấn đề khác, làm các công việc văn phòng của bộ phận buồng phòng.

Yêu cầu đối với Housekeeping

Vị trí trưởng bộ phận Housekeeping

  • Bằng cấp: Trung cấp/ Cao đẳng/ Đại học về du lịch khách sạn, quản trị kinh doanh, nghiệp vụ buồng phòng hoặc chuyên ngành liên quan.
  • Kinh nghiệm: Có kinh nghiệm từ 2-5 năm ở vị trí tương đương hoặc vị trí giám sát ở khách sạn cao cấp hơn.
  • Ngoại ngữ: Đối với khách sạn có lượng khách quốc tế lớn, trưởng bộ phận buồng phải giao tiếp tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác ở mức thành thạo.
  • Kỹ năng: Tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, có tính kỷ luật cao. Có khả năng ngoại giao, sáng tạo, tự tin, năng động, chịu được áp lực cao trong công việc. Có các kỹ năng sắp sếp, nghệ thuật giao tiếp với khách hàng. Kỹ năng dịch vụ khách hàng tốt. Có thể sử dụng vi tinh văn phòng. Có khả năng giải quyết vấn đề, sắp xếp và tổ chức công việc tốt. Khéo léo trong sắp xếp và sử dụng nhân viên. Tính cẩn thận, tỉ mỉ, sạch sẽ.

Vị trí trợ lý, giám sát Housekeeping

  • Bằng cấp: THPT/ Trung cấp/ Cao đẳng/ Đại học về du lịch khách sạn, quản trị kinh doanh, hoặc chuyên ngành liên quan, có chứng chỉ nghiệp vụ buồng phòng.
  • Kinh nghiệm: Từ 1-3 năm ở vị trí tương đương.
  • Ngoại ngữ: Tiếng Anh giao tiếp tốt.
  • Kỹ năng: Hiểu biết cơ bản về máy tính văn phòng. Có sức khỏe tốt. Nhanh nhẹn, nắm bắt và xử lý tình huống nhanh chóng, linh hoạt giải quyết những yêu cầu và phàn nàn của khách. Có tính tỉ mỉ và sạch sẽ để đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng dọn phòng của nhân viên buồng, đáp ứng yêu cầu của khách và tiêu chuẩn của khách sạn.

Vị trí nhân viên Housekeeping

  • Bằng cấp: THPT trở lên, ưu tiên có chứng chỉ buồng phòng.
  • Kinh nghiệm: Ưu tiên có kinh nghiệm
  • Ngoại ngữ: Ưu tiên biết ngoại ngữ
  • Kỹ năng: Có sức khỏe, chăm chỉ, cẩn thận, sạch sẽ, trung thực, nhanh nhẹn.
Thu nhập của Housekeeping
Thu nhập của Housekeeping

Lương Housekeeping

  • Trưởng bộ phận: 10-30 triệu đồng/ tháng
  • Trợ lý/ Giám sát: 8-12 triệu đồng/ tháng
  • Nhân viên: 5-8 triệu đồng/ tháng

Mức lương này chỉ mang tính chất tham khảo, lương thực tế còn tùy thuộc vào yêu cầu công việc cụ thể và quy mô khách sạn. Trong ngành khách sạn, ngoài lương Housekeeping còn có thêm tiền tip, tiền phí phục vụ, thu nhập này rất tốt tại các khách sạn có quy mô lớn 4-5 sao.

Việc làm Housekeeping

Housekeeping chiếm số lượng lớn lao động tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, cơ sở kinh doanh lưu trú. Vì vậy, bạn sẽ không lo thiếu việc làm khi theo đuổi lĩnh vực này.

Fanpage: https://www.facebook.com/hotelcareers.vn

5/5 - (3 votes)