Món ăn ngon ở Hà Nội: Top 10 món ăn nức lòng du khách

Những món ăn ngon ở Hà Nội như  phở, bún chả, bún, bánh cốm, bánh Tôm Hồ Tây, chả cá Lã Vọng, cà phê trứng….bạn nên thử một lần.

Những món ăn ngon ở Hà Nội
Những món ăn ngon ở Hà Nội

Thủ đô Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nhiều đặc. Người Hà Nội nổi tiếng với sự sang trọng, sành điệu, cả về phong cách và hương vị.

Các món ngon Hà Nội đã đi vào thơ ca, sống trong tiềm thức, tình cảm của mỗi người. Ở phố cổ Hà Nội, có nhiều đường phố được đặt tên theo thực phẩm địa phương hoặc các món ăn như phố Chả cá, phố Hàng Gà, phố Hàng Bột, phố Hàng Cháo, phố Hàng Bún… cách đặt tên này tương đối hiếm so với các thành phố khác.

Khi bạn muốn mua gì đó hoặc thưởng thức thức ăn, bạn chỉ cần đi đến đường phố có tên món đồ cần tìm.

Nói đến Hà Nội, người ta nghĩ đến sự sang trọng và tinh tế trong cách ăn mặc, trang trí và thưởng thức món ăn ngon. Ăn uống không đơn giản là ăn cho no bụng mà nó là một sở thích, là cách để bày tỏ cá tính của mỗi người.

Ẩm thực Hà Nội
Ẩm thực Hà Nội

Để cảm nhận văn hóa, phong cách hoặc thói quen của người dân Hà Nội, bạn nên thức dậy sớm, đắm mình cùng những người tập thể dục, ngắm nhìn những người gánh hàng rong, những hàng ăn sáng và đừng quên chọn cho mình một món ăn ngon như phở, bún riêu cua, bánh cuốn nóng, bún thang… hoặc đơn giản là bánh rán nóng.

Danh sách 10 món ăn ngon ở Hà Nội

Nếu bạn đi du lịch đến Hà Nội lần đầu tiên, bạn có thể bị choáng ngợp bởi các quầy hàng thực phẩm, với nhiều món ăn khiến bạn khó có thể lựa chọn chính xác.

Bây giờ Hotelcareers.vn xin giới thiệu một số món ăn ngon ở Hà Nội để bạn lựa chọn.

Phở Hà Nội

Phở là món ăn không thể bỏ qua khi đi du lịch Hà Nội. Món phở bò nổi tiếng là phở Quốc Quốc Sư.

Nếu bạn muốn ăn phở gà, bạn nên đi đến quán phở nằm trên đường Quán Thánh. Thưởng thức món phở chua ngọt độc đáo tại quán phở Hạnh (đường Lãn Ông) hoặc quán phở nằm ở đường Lương Văn Can.

Phở Hà Nội
Phở Hà Nội

Một quán phở nổi tiếng ở Hà Nội mà thực khách rất đông đúc và họ thường phải xếp hàng rất lâu để mua Phở, đó là Bát Đàn.

  • Địa chỉ: 49 phố Bát Đàn, mở cửa vào các buổi sáng từ 6:30-8:30.
  • Giá: khoảng 60.000đồng/bát.

Phở xuất hiện ở tất cả các tỉnh thành của Việt Nam, nhưng chỉ thưởng thức phở ở Hà Nội mới thật sự cảm thấy ngon. Phở 49 Bát Đàn là phở đúng với hương vị và phong cách đặc biệt của người Hà Nội, mà dù đi bất cứ nơi nào họ cũng không thể quên nó.

Có vài điều thú vị trong phở Bát Đàn, phở ngon, thịt bò tươi và thơm, nước dùng xương ngọt, giống như phở Hà Nội truyền thống.

Nhưng đặc biệt nhất là khách hàng đến đây phải xếp hàng và trả trước tiền và sau đó phở về chỗ ngồi của mình. Lưu ý, khi ăn phở Bát Đàn thì nên đi hai người, một người giữ chỗ còn một người đi mua phở.

Xếp hàng mua phở Bát Đàn
Xếp hàng mua phở Bát Đàn

Cảnh xếp hàng không phải là cảnh lộn xộn, lo sợ mất ví tiền mà là xếp hàng để thưởng thức món phở ngon, có nhiều người già còn mang theo báo để đọc trong lúc chờ đợi.

Quán phở Bát Đàn khá nhỏ, thấp, có một vài bảng đồ gỗ thô, cũ, đã tồn tại trong gần nửa thế kỷ và không có nhiều thay đổi. Nồi nấu phở nằm gần lối ra vào, chủ quán luôn tay thái những lát thịt bò nạm hoặc gầu thơm nức.

Khi ăn phở nhớ cho một chút chanh cốm, chút tương ớt, giấm. Phở thật sự thích hợp trong những ngày se lạnh.

Bún chả

Bún chả Hàng Mành, bún chả Mai Hắc Đế, bún chả Hương Liên (Bún chả Obama) là những quán bún chả nổi tiếng ở Hà Nội, bởi hương vị đặc trưng, trình bày đẹp và đặc biệt rất ngon.

Bún chả Hàng Mành
Bún chả Hàng Mành

Ở phố cổ Hà Nội, thưởng thức món bún chả ngon miệng, bạn có thể đi đến số 1 Hàng Mành, bún chả Đắc Kim (từ 1965). Điểm nổi bật ở đây là các thành phần, thịt lợn phải là thịt ba chỉ hoặc nách dày và tươi, nướng trên than hoa.

  • Giá giao động từ 50.000 – 60.000 đồng/suất.

Chả cá Lã Vọng

Đến Hà Nội mà không nếm thử chả cá Lã Vọng thì thật là thiếu sót. Món ăn này thú vị ở điểm bàn ăn của thực khách sẽ có một chiếc bếp nhỏ để giữ cá luôn được nóng hổi. Thực khách sẽ luôn tay đảo miếng cá, thêm chút rau ăn kèm, cảm giác đi ăn hàng mà như tại nhà làm bữa liên hoan vậy.

Chải cá Lã Vọng
Chải cá Lã Vọng

Cá được chiên trên một chảo dầu nhỏ, mỗi bàn ăn sẽ có một bếp than hoa nho nhỏ cùng chảo cá đặt bên trên. Cá ăn kèm với bánh đa nướng, bún rối, cùng với đó là lạc rang, rau mùi, húng láng, thì là, hành củ tươi chẻ nhỏ chấm với mắm tôm. Mắm tôm phải được pha chế bằng cách vắt chanh tươi, thêm ớt, đánh sủi lên rồi tra thêm chút tinh dầu cà cuống, thêm vài giọt rượu trắng, một ít nước mỡ và đường.

Món ăn đậm vị ngọt bùi, beo béo của miếng cá lăng, cá quả. Người ăn trút hành, thì là vào chảo và đảo đều lên. Gắp một đũa bún nhỏ vào bát, thêm vài hột lạc, cọng rau thơm, một miếng cá và ít hành xào trong chảo nóng đang nghi ngút khói, rưới lên trên thìa nhỏ mắm tôm rồi bắt đầu thưởng thức. Từng đó thứ hòa lẫn vào nhau mới tạo nên được vị ngon nức tiếng của đặc sản Hà Nội.

Đa phần du khách nước ngoài đến Hà Nội muốn thưởng thức món này đều ghé quán chả cá Lã Vọng với hơn 130 năm tuổi. Chả cá của nhà hàng Lã Vọng chủ yếu làm từ cá lăng và cá quả nên thịt chắc và dai, không hề bị bở tung ra khi đảo nhiều lần trên chảo. Miếng cá xắt vừa phải, khi chín vàng hơi quăn. Ăn giòn ở bề cạnh nhưng mềm ở phần giữa, ướp tẩm vừa miệng và thơm phức.

Bát mắm không mặn mà vừa ăn, không nồng nhưng vẫn giữ được mùi đặc trưng. Vị ngọt béo của miếng chả cá Lã Vọng quyện với mùi thơm của rau và mặn mòi của mắm tôm khiến nhiều người phải thòm thèm. Giá một suất chả cá Lã Vọng từ 175.000 đồng một người.

Địa chỉ: 14 phố Chả Cá và 107 Nguyễn Trường Tộ. Quán ở phố Chả Cá không gian tương đối chật nhưng là cơ sở từ xưa, còn tại Nguyễn Trường Tộ sạch sẽ và rộng rãi hơn, thích hợp với những nhóm đông người.

Chả cá Lã Vọng tại nhà hàng Dương
Chả cá Lã Vọng tại nhà hàng Dương

Ngoài ra, bạn có thể nếm thử Chả cá Lã Vọng tại Duong Restaurant số 27 Ngõ Huyện hoặc 101 phố Mã Mây.

  • Chả cá Thăng Long – Địa chỉ: 19, 21, 31 Đường Thành. Giá một suất ở đây từ 150.000 đồng một người.
  • Chả cá Anh Vũ – Địa chỉ: 120, Giảng Võ – Với mức giá tương đối dễ chịu, 130.000 đồng một suất, chả cá Anh Vũ.

Bánh Cốm

Bánh cốm là một món ăn từ xa xưa thường xuất hiện trong đám lễ hỏi, đi cùng với bánh phu thê tạo nên cặp bánh màu xanh đỏ đẹp mắt. Với lớp vỏ màu xanh cốm tươi mới, nhân đậu xanh màu vàng cùng với mùi thơm đặc trưng của cốm non chỉ ngửi thôi cũng thấy hấp dẫn rồi.

Bánh cốm
Bánh cốm

Bánh cốm ngon nhất bán tại hàng Nguyên Ninh, ngôi nhà số 11 Hàng Than. Cho tới nay hàng bánh cốm Nguyên Ninh vẫn còn bán bánh cốm với phương thức làm bánh thủ công từ xa xưa. Những chiếc bánh cốm với màu xanh tươi mới,vỏ mỏng nhẹ thậm chí bạn có thể nhìn thấy lớp nhân đậu xanh màu vàng vàng bên trong. Mùi cốm thơm lừng hòa quyện với mùi thơm ngầy ngậy của dừa và đậu xanh, ngửi thôi đã mê mẩn.

Những chiếc bánh cốm thoạt nhìn đơn giản nhưng lại trải qua quá trình chế biến công phu. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu, chọn loại cốm, đỗ xanh nào cho ngon đã phải thật cẩn thận. Người nhà Nguyên Ninh cho biết, với bánh cốm, quan trọng nhất là cách xào cốm. Con cháu trong nhà cũng phải học nhiều năm mới có thể xào cốm thành thạo để cho ra những chiếc bánh ngon, đảm bảo hương vị vốn có.

Ngoài ra, nét đặc trưng của bánh cốm Nguyên Ninh là hoàn toàn không pha bột, chỉ làm bằng cốm nguyên chất và không xay để tránh mất hương vị. Việc bỏ qua công đoạn xay mà vỏ bánh vẫn dẻo mịn chính là bí kíp gia truyền nhà Nguyên Ninh.

Phố Hàng Than
Phố Hàng Than

Ăn chiếc bánh cốm là dường như thấy cả mùa thu Hà Nội, mùa thu với hương cốm thơm lừng, với vụ mùa bội thu cho hạt cốm chắc mẩy, cho bàn tay những cô bán hàng bán cốm mà thơm cả bàn tay. Ăn một chiếc bánh cốm ngọt bùi mà như thấy cả tình người Hà Nội đằm thắm với cái ý nghĩa sâu xa từ ngàn đời mong cho đôi vợ chồng son tình cảm mãi ngọt ngào thắm đượm.

Đến Hà Nội, bạn đừng quên mua về làm quà cho gia đình và bạn bè những hộp bánh cốm nhỏ xinh, bởi thấy bánh cốm là như thấy cái thanh tao, tinh túy của ẩm thực đất kinh kỳ. Giá mỗi chiếc bánh cốm Nguyên Ninh rất rẻ, chỉ 5k/chiếc bánh nhỏ, 6k/bánh lớn, nếu bạn mua hộp 10 chiếc là 50k. Một số hàng bánh cốm ngon cùng ở phố Hàng Than là bánh cốm Bảo Minh 12 Hàng Than, bánh cốm An Ninh 49 Hàng Than…

Bún Thang

Bún thang là món ăn được ca ngợi là cầu kỳ trong khâu trình bày và chế biến, tổng thể bát bún trông như một bông hoa đầy sắc màu với màu vàng của trứng, giò lụa hồng đào, thị gà trắng và da gà vàng ươm, củ cải hơi vàng được xếp cạnh nhau, xen kẽ có nấm hương nâu, ruốc tôm màu đỏ cam. Trên cùng là lớp hành, răm rải đều và lát ớt đỏ đầy hấp dẫn.

Bún thang
Bún thang

Để nấu được một bát bún thang đúng chuẩn, nói chung cực kỳ cầu kỳ, đôi khi phải mất cả một ngày trời để chuẩn bị. Bún để làm bún Thang phải là bún rối, sợi không to cũng không quá nhỏ, sợi vừa phải thì sóng đôi với giò lụa thái chỉ nó mới hợp. Tiếp đến là gà phải là trống hay gà mái thịt mềm và béo. Tuy nhiên, thứ thịt mà đặt lên thang thích hợp phải là thịt lườn, xé cho thật nhỏ ra, rồi đặt lên một góc của bát bún, bên cạnh giò lụa. Rồi thì đến trứng.

Trứng phải tráng sao cho mỏng tang- thực ra tráng mỏng tang rất khó rồi cũng thái rối và đặt lên một góc khác của bát bún. Bún thang sẽ rất ngon nếu như có thêm ruốc tôm. Không nhiều hàng bún thang ở Hà Nội bây giờ còn có ruốc tôm. Thứ nhất bởi giá thành quá đắt đỏ, thứ hai, các công đoạn để làm ra một mẻ ruốc tôm cũng cầu kỳ và mất thời gian. Cho nên mới nói, bún thang là món ăn phức tạp nhất trong số các món ăn của đất Hà thành kể ra cũng đúng.

Ăn bún thang thì không thể thiếu củ cải dầm, vài cánh nấm, một cái nhúng đầu đũa tinh dầu cà cuống và đặc biệt sau tất cả nhứng thứ hương vị thanh thanh đó thì còn có thêm một tí tẹo mắm tôm. Một hương vị tưởng như không liên quan đến tất thảy những thứ đã có trong bát bún, thế mà khi kết hợp với nhau lại cho ra một hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.

Tất cả những thứ bún, giò, gà, trứng… kể trên vốn đã cầu kỳ từ khi sơ chế cho đến thành phẩm thì nấu được một nồi nước để chan bún còn cầu kỳ gấp dăm bảy phần.

Quán bún thang
Quán bún thang

Thường thì các bà nội trợ chọn xương gà và xương bay của lợn, chần xương qua nước nóng già cho sạch những thứ tiết đọng cặn, ninh nhỏ lửa và hé vung cho nước trong. Trong quá trình ninh phải liên tục hớt bọt bám vào thành nồi, để đảm bảo cho nước dùng trong nhất có thể.

Nước dùng bún thang không thể thiếu đầu tôm he khô. Loại tôm này khi khô mang mùi vị rất đặc trưng, làm dậy mùi nồi nước dùng. Một vài người thích cho thêm vài miếng mực khô đã nướng qua, mực khô khiến nước dùng thêm ngọt hoặc là sá sủng khô. Tuy nhiên, cũng có người chỉ thích nước bún thang có duy nhất vị tôm he khô mà thôi.

Ngày xưa, người Hà Nội chỉ tới Tết nguyên đán mới được ăn bún thang. Sau Tết, thực phẩm thừa nhiều. Bỏ đi thì phí, các bà, các mẹ nội trợ bèn nghĩ ra món ăn xuất sắc này. Và nó trở thành món ăn thanh nhẹ sau ba ngày Tết ngây ngất với bánh chưng, thịt gà và canh măng.

Ngày nay, bạn không cần phải chờ đến Tết để đi du lịch Hà Nội và thưởng thức món bún thang. Giờ đây, đi du lịch Hà Nội, bạn có thể ăn món bún thang quanh năm vì Hà Nội nay đã có rất nhiều quán ăn ngon bán món ăn xuất xứ từ đất kinh kỳ này.

Nếu bạn đi du lịch Hà Nội và khám phá khu phố cổ thì có thể tranh thủ tạt vào quán bún thang 48 Cầu Gỗ, ăn bát bún lót dạ rồi lại lang thang trên những con phố nhỏ của thủ đô, hay hàng bún thang ở 29 Hàng Hành, bún thang số 11 Hàng Hòm, bún thang Thuận Lý Hàng Hòm…

Mỗi bát bún thang có giá khoảng 50k nhưng lại chứa đựng đầy đủ triết lý ẩm thực của người Hà Nội. những nguyên liệu phong phú kết hợp lại với nhau lại cho ra một món ăn thanh đạm, cái tên Thang có nghĩa là món ăn nhiều thành phần kết hợp với nhau như một thang thuốc đông y.

Bún Ốc

Bún ốc từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong thực đơn của người Hà Nội và các thực khách đến thăm Thủ đô. Bún ốc, hình như cứ phải ăn ở Hà Nội mới đã. Món ăn dân dã mà qua bàn tay tài hoa của những bà, những cô, những chị… Hà thành lại trở thành thứ ẩm thực thật tinh tế chẳng nơi nào có.

Bún ốc
Bún ốc

Có 3 yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thành phẩm hấp dẫn là ốc béo, bỗng thơm và nước dùng đậm đà. Ngoài ra còn có bún rối, rau sống, hành hoa, hành tím, cà chua, ớt bột thêm chút mắm tôm và xương heo.

Món bún ốc ngon nhất là khi người ta hay dùng ốc bươu, một loại ốc có màu tím xanh óng ánh trên vỏ xà cừ để chế biến. Chất thịt ngon giòn, sần sật thêm chất sáp vàng bùi ngậy của ốc giúp thực khách càng ăn càng thấy ngon.

Nhà văn Thạch Lam đã từng viết về người ăn bún ốc như thế này, “người ta xúm lại ăn quà bún ốc một cách mới ngon lành làm sao! Có ai buổi trưa hay buổi đêm khuya, đi qua các nhà cô đào, và các chị em thanh lâu, thấy họ ăn cái quà ấy một cách chăm chú và tha thiết đến đâu không? Nước ốc chua làm nhăn các nét mặt tàn phần và mệt lả, miếng ớt cay làm xoa xuýt những cặp môi héo hắt, và khiến đôi khi rõ những giọt lệ thật thà hơn cả những giọt lệ tình.”

Bún ốc cô Thêm Hàng Chai, phố bún ốc Hòe Nhai với hàng chục quán bún ốc chen chúc nhau trên con phố nhỏ, bún ốc cô Huê Đặng Dung, bún ốc cô Huệ hàng Giày, bún ốc cô Giang Lương Ngọc Quyến. Mỗi bát bún ốc có giá khoảng 40-50k tùy theo bạn có ăn thêm giò, thịt thăn, thịt bò, chả cá… hay không.

Quán bún ốc cô Thêm Hàng Chai có truyền thống làm bún ốc lâu đời, được truyền qua 3 thế hệ trong gia đình cô Thêm nên bún ốc ở đây luôn có hương vị đặc biệt riêng của cách chế biến gia truyền. Vị nước dùng chua dịu, ngọt thanh vị ốc lại thêm chút cay nồng của ớt tươi đã làm say lòng biết bao thực khách. Một chút mùi mắm tôm bốc lên nhưng không hề nồng mà lại rất thơm và dễ chịu. Những con ốc vàng giòn, béo ngậy, sần sật.

Quán bún ốc
Quán bún ốc

Một bát bún chỉ có thêm vài cọng hành, mấy miếng cà chua thêm một vài lá rau thơm nhưng đã đủ để hấp dẫn thực khách. Nếu sang chảnh hơn một chút, bạn có thể dùng thêm một ít thịt bò chần càng làm tăng hương vị. Chính vì vậy mà bún ốc của cô bán buổi sáng rất hay hết từ sớm khiến nhiều khách trở ra hoặc là phải ngậm ngùi quay về hoặc là phải chờ đợi khá là lâu.

Cốm Làng Vòng

Cốm Làng Vòng là một đặc sản ẩm thực của Việt Nam nói chung và là đặc sản nổi tiếng vào hang bậc nhất của Hà Nội nói riêng. Đây là một sản phẩm đặc trưng của làng Vòng (hay còn gọi là thôn Hậu) nay là phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cốm làng Vòng
Cốm làng Vòng

Lịch sử Cốm Làng Vòng: Nghề làm cốm làng Vòng, bắt nguồn từ truyền thuyết: Vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu thì trời đổ mưa to, gió lớn, đê vỡ, ruộng lúa cao nhất đồng cũng chìm nghỉm. Người làng Vòng đành mò cắt những bông lúa còn non ấy đem về rang khô, ăn dần, chống đói. Không ngờ cái sản phẩm bất đắc dĩ ấy lại có hương vị riêng, rất hấp dẫn, khiến người làng Vòng thường hay làm để ăn chơi mỗi khi mùa thu đến.

Cứ mỗi lần làm là một lần rút kinh nghiệm, sáng tạo thêm nên hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng, càng dẻo, càng thơm. Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi lũy tre làng, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành điệu, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225), trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng An.

Nguyên liệu làm cốm
Nguyên liệu làm cốm

Cốm Làng Vòng – Thương Hiệu đã được khẳng định: Cốm được sản xuất ở nhiều nơi, xong chỉ có cốm làng Vòng mới là ngon nhất, và là thứ quà tao nhã dịp thu về. Chỉ có cốm của người làng Vòng, chứ không phải cốm mễ trì, hay nơi khác mới được ca tụng trong thơ ca.

Người làng Vòng có cách làm cốm với bí quyết riêng, chỉ có cốm làng Vòng mới thật thơm hương, ngọt vị, lên sắc. Cốm làng Vòng, cùng hương hoa sữa, gió heo may, và những bài hát hòa quyện vào nhau làm lên một mùa thu Hà Nội lãng mạng, một nét văn hóa đã khắc sâu vào tâm hồn của người Hà Thành xưa và nay.

Thời gian ăn cốm ngon: Vụ cốm mùa thu kéo dài tới gần 3 tháng, bắt đầu từ mồng 1 tháng 7 âm lịch trở đi. Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội. Độ ngon ngọt thơm mềm và xanh màu tự nhiên của cốm phụ thuộc vào thời điểm đầu, giữa, cuối vụ.

Gánh hàng rong
Gánh hàng rong

Đến cuối tháng, cốm mộc là nếp cuối màu hạt to và cứng thường để rang thành cốm khô hay gia giảm, pha chế ăn tạm đợi mùa sau. Cốm mộc cũng phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng mới đúng nguyên chất, còn cốm đã bị hồ qua trông xanh tươi mát mắt nhưng chất lượng pha đắng chẳng còn vị cốm thật. Cốm vòng ăn tươi thì ngon tuyệt còn mang đi xa cũng vẫn có thể đảm bảo mùi vị chất lượng trong vài ngày nếu như bọc kỹ bằng cả lá ráy và lá sen.

Cách thức bảo quản cốm: Cốm thành phẩm được gói thành hai lớp lá sen. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá. Lớp ngoài là lá sen có hương thoang thoảng, thanh cao.

Ngoài ra, cốm muốn để lâu ăn dần, có thể bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C, có thể sử dụng ngăn làm đá của tủ lạnh để bảo quản, thời gian bảo quản không giới hạn. Cốm từ ngăn đá, đóng băng, mang ra ngoài, phơi trước quạt gió để rã đông 15 phút sẽ trở lại trạng thái tươi, mềm và dẹo nhưng lức mới làm.

Các món ăn từ Cốm: Cốm làng Vòng tươi ăn ngay, hoặc ăn kèm với chuối, bên ấm trà ngon có lẽ là thanh tao nhất. Song, Cốm còn có thể làm nguyên liệu để chế biết rất nhiều món ăn như bánh cốm, xôi cốm, chè cốm… Trong đó, bánh cốm là phổ biến nhất, bánh cốm ngon phải được làm từ cốm của người làng Vòng.

Bánh mỳ 25

Bánh mì là món ăn ưa thích của nhiều du khách khi đến với Hà Nội. Hà Nội có rất nhiều hàng bánh mì ngon nức tiếng, với đủ loại mức giá từ bình dân cho tới đắt tiền. Trong đó, cửa hàng Bánh mì 25 là một địa điểm được nhiều du khách quốc tế tìm đến để thưởng thức món bánh mì của người Hà Nội.

Bánh mỳ 25
Bánh mỳ 25

Khi đọc trên mạng tôi thấy có đánh giá tốt của những người đã từng đến ăn ở quán Bánh mì 25. Vì khá tò mò món bánh mì của quán mà tôi cũng quyết định tìm đến mua thử. Và quả thật, tôi cũng khá ngạc nhiên khi trong khoảng 2 tiếng đồng hồ ngồi ở quán thì hầu hết các vị khách đến xếp hàng mua đều là những vị khách nước ngoài.

Chị Malan- du khách chia sẻ: “Khi đến du lịch Hà Nội, tôi có tìm thông tin về các điểm chơi và món ăn về thành phố này trên trang TripAdvisor. Có khá nhiều người giới thiệu nên tôi tìm đến ăn thử. Đây là lần đầu tiên tôi ăn bánh mì ở phố cổ Hà Nội, tôi thấy vị bán ngon hơn so với những nơi tôi đã từng ăn. Hơn nữa, ông chủ cửa hàng rất nhiệt tình khi giới thiệu cho tôi lựa chọn được vị bánh ngon”.

Giá một chiếc bánh mì 25 giao động từ 25-35k VND/chiếc tùy vào nguyên bên trong chiếc bánh mì là pate, trứng, thịt gà, xá xíu hay thập cẩm. Bạn có thể thưởng thức bánh mì 25 tại 25 Hàng Cá, 60 Lò Rèn.

Bánh tôm Hồ Tây

Kênh truyền hình Mỹ CNN đã liệt kê Bánh tôm Hồ Tây là một trong những món ăn du khách phải thử một lần khi ghé thăm Hà Nội.

Bánh tôm Hồ Tây
Bánh tôm Hồ Tây

Món bánh tôm bắt đầu phổ biến từ những năm 1930, thời điểm đó có nhiều gánh hàng rong tụ tập dọc theo đường Thanh Niên để bán. Đến khi khu vực này sầm uất hơn, các quầy bán bánh tôm nhỏ lẻ được mở ra và bánh tôm Hồ Tây bắt đầu được chú ý từ đó.

Bánh tôm Hồ Tây được làm bởi sự kết tụ tinh hoa ẩm thực của người Hà Thành xưa. Đúng với tên gọi bánh tôm Hồ Tây thì nguyên liệu tôm chọn làm phải là tôm nước ngọt được đánh bắt từ Hồ Tây. Bởi tôm được đánh bắt ở Hồ Tây thường chắc thịt, có độ ngọt và khi rán lên vỏ tôm đỏ au. Tôm sau khi rửa sạch sẽ được trộn với bột rồi đem chiên ngập dầu. Trong quá trình chiên bánh, người làm phải để ý khi lớp vỏ bánh ngả màu vàng cánh gián và giòn thì vớt ra và để ráo dầu.

Chiều Hồ Tây
Chiều Hồ Tây

Bánh tôm Hồ Tây với vị ngon thơm ngậy thường được ăn với nước chấm được làm với các gia vị ớt, tỏi, đường, đu đủ xanh… kèm theo ít rau sống càng làm cho món ăn nổi tiếng của Hà Nội trở lên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, bánh tôm Hồ Tây phải được ăn nóng vì lúc đó vỏ bánh mới giữ được độ giòn và tôm mới ngậy mùi thơm.

Bạn có thể thưởng thức món Bánh tôm Hồ Tây tại Đường Thanh Niên hoặc tại số 49 Phủ Tây Hồ, Hà Nội

Cà phê Trứng

Những ai yêu thích cà phê trứng đều biết đến quán cà phê Giảng, một trong những quán cà phê nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội. Cà phê Giảng là địa chỉ đầu tiên khai sinh ra thức uống gắn liền với hương vị ẩm thực Hà thành. Cụ Giảng, người sáng lập ra quán cà phê Giảng hiện nay, đã sáng tạo nên cà phê trứng từ công thức làm capuchino ngày cụ còn làm nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole Hà Nội.

Cà phê trứng
Cà phê trứng

Ngày nay, cà phê trứng xuất hiện ở rất nhiều quán cà phê, nhưng cà phê trứng tại quán Giảng vẫn là một địa chỉ được nhiều du khách lựa chọn. Trang CNN mới đây cũng đưa cà phê trứng vào danh sách những món ngon nhất định phải thưởng thức tại Hà Nội.

Kinh nghiệm ăn uống tại Hà nội

Tham khảo kinh nghiệm du lịch và ăn uống tại Hà Nội trên Internet là cách tốt để thưởng thức món ăn ngon và tránh những rắc rối không cần thiết.

Kinh nghiệm ăn uống ở Hà Nội
Kinh nghiệm ăn uống ở Hà Nội

Dưới đây là một vài kinh nghiệm mà chúng tôi đã thu thập được.

Tìm hiểu trước các địa điểm ăn uống trên mạng Internet

Cũng giống như bất kỳ nơi nào khác, khi đến thăm Hà Nội, bạn nên nghiên cứu cẩn thận các thông tin như giá dịch vụ, địa chỉ ăn uống có uy tín…

Việc tìm hiểu trước sẽ giúp bạn tránh được những quán ăn không ngon, đặc biệt tránh được các trường hợp lừa gạt đáng tiếc. Ngoài ra, tìm hiểu trước còn giúp bạn hiểu về văn hóa, thói quen và sự khác biệt của Hà Nội so với các địa phương khác. Nhìn chung thì giá cả dịch vụ ở Hà Nội thường cao hơn.

Tìm kiếm trên Google
Tìm kiếm trên Google

Hiện nay, có nhiều trang web đánh giá nhà hàng, quán ăn, món ăn phổ biến như Tripadvisor, Foody, Now và các báo điện tử. Bạn có thể lên các trang web này, tìm hiểu địa chỉ các quán ăn ngon bổ rẻ để thưởng thức đặc sản Hà Nội mà không cần lo lắng về giá cả.

Nên chọn quán ăn niêm yết giá hoặc hỏi giá trước khi ăn

Hà Nội là thiên đường của các quầy hàng ăn uống, nhưng văn hóa ẩm thực đường phố này đôi khi gây khó khăn cho du khách. Bởi vì, không dễ dàng biết được giá cả các món ăn, nhiều quán ăn để giá không đồng, nhưng sau khi ăn xong lại bị tính giá trên trời.

Vì vậy, khi đi ăn ở bất kỳ quán ăn nào bạn nên thỏa thuận giá trước khi ăn, tránh các tranh luận đáng tiếc khi thanh toán. Chủ quán có thể không thích điều này, nhưng vì an toàn bạn hãy lờ ý kiến của chủ quán đi.

Hỏi giá trước khi ăn
Hỏi giá trước khi ăn

Có một số trường hợp dù giá cả đã được thỏa thuận, nhưng khi thanh toán lại bị tính thêm các gia vị bổ sung hoặc món kèm theo, bạn nên hỏi kỹ khi sử dụng.

Để thu hút khách du lịch, nhiều nhà hàng và quán ăn thường cung cấp giá rất hấp dẫn, nhưng khi tính toán chi phí, du khách phải trả phí bổ sung đôi khi cao hơn 3-4 lần so với giá ban đầu được liệt kê. Các trường hợp phổ biến nhất là phí thêm cho rau, mì, cá… của nồi nóng với những lời giải thích rằng giá niêm yết trên menu chỉ là giá của lẩu.

Thông thường, các nhà hàng phục vụ các loại gia vị như chanh, tương ớt, bao gồm khăn ướt,…Tuy nhiên, tại các điểm du lịch, du khách có thể bị tính phí nếu họ sử dụng những thứ này. Vì vậy, trước khi sử dụng hoặc yêu cầu bất cứ điều gì nhiều hơn, du khách nên hỏi nếu có một khoản phí.

Kiểm tra hóa đơn một cách cẩn thận

Bên cạnh việc “chặt chém”, nhiều quán ăn hay  giả vờ “lẩm cẩm”, tính sai tiền, tính thêm món, thêm đĩa hoặc ghi thêm một số món ăn thực khách không gọi.

Kiểm tra kỹ hóa đơn
Kiểm tra kỹ hóa đơn

Vì vậy, bạn cần phải kiểm tra các hóa đơn để xem có đúng số món, số lượng và tổng số tiền trước khi thanh toán.

Đừng ngại mặc cả

Không chỉ ở Hà Nội, nói thách phổ biến ở hầu hết các điểm đến du lịch trên thế giới và tại Việt Nam.

Đừng ngại mặc cả giá
Đừng ngại mặc cả giá

Nếu bạn không mặc cả, bạn có thể mua với mức giá trên trời, rước bực vào mình. Các trường hợp bị chặt chém thường là du khách nước ngoài, khách đến từ các tỉnh khác (nói giọng địa phương).

Ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng

Phần lớn du khách có tâm lý không muốn tranh cãi, họ thường giữ im lặng khi bị lừa đảo hoặc chặt chém. Tuy nhiên, hành động này càng làm tình trạng xấu đi.

Gọi đường dây nóng
Gọi đường dây nóng

Lời khuyên cho du khách trong tình huống này là gọi điện cho số điện thoại đường dây nóng số của chính quyền địa phương để phản ánh.

Bạn có thể đến quầy hỗ trợ thông tin du lịch tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Lê Thạch để phản ánh hoặc gọi số đường dây nóng 0941336677.

Đặt gói tour  du lịch Hà Nội với các công ty lữ hành uy tín

Cuối cùng, nếu bạn đi du lịch Hà Nội, bạn có thể đặt một tour du lịch trọn gói Hà Nội với các công ty du lịch uy tín.

Hướng dẫn viên có kinh nghiệm sẽ đưa bạn đến những nhà hàng tốt để thưởng thức đặc sản Hà Nội, họ biết giá, vì vậy bạn sẽ không lo lắng về việc bị chặt chém.

Đặt tour uy tín
Đặt tour uy tín

Ngoài ra, các cơ quan du lịch có thể hỗ trợ bạn với đặt phòng khách sạn, thuê xe, mua vé đến các điểm tham quan, công viên vui chơi, dịch vụ hoặc thậm chí cả mặc cả khi mua để tránh bị lừa đảo, xếp hàng.

Đi du lịch Hà Nội, bạn đừng lo bị chặt chém, đó chỉ là do bạn chưa biết lựa chọn quán ăn phù hợp và khéo léo mặc cả, hỏi giá một chút thôi. Chúc các bạn có chuyến du lịch vui vẻ, được thưởng thức các món ăn ngon ở Hà Nội mà không lo tốn tiền!

Fanpage của chúng tôi: https://www.facebook.com/hotelcareers.vn

4.9/5 - (35 votes)