Cách viết CV xin việc ấn tượng nhà tuyển dụng nhìn là mê

Cách viết CV xin việc thế nào cho ấn tượng với nhà tuyển dụng luôn được các bạn trẻ quan tâm, đặc biệt là những người đang trên hành trình tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên môn, có thu nhập ổn định. Hôm nay, Hotelcareers xin chia sẻ với các bạn cách viết CV xin việc ấn tượng với tất cả các nhà tuyển tuyển dụng để các bạn tham khảo khi viết cv xin việc.

Khái niệm về CV xin việc

CV là gì?
CV là gì?

CV là gì?

  • CV tiếng Anh là: Curriculum Vitae
  • CV tiếng Pháp là: Curriculum Vitae
  • CV tiếng Trung là: 个人简历
  • CV tiếng Nhật là: 履歴書
  • CV tiếng Hàn là: 이력서
  • CV tiếng Đức là: Lebenslauf

Cuối cùng CV hay CV xin việc dịch ra tiếng Việt là “Sơ yếu lý lịch”, một cụm từ không diễn tả hết ý nghĩa của CV. CV bao gồm rất nhiều nội dung bao quát về ứng viên như: Mục tiêu nghề nghiệp, Kinh nghiệm làm việc, Trình độ học vấn, Kỹ năng liên quan đến công việc, Sở thích cá nhân. CV là giấy tờ nằm trong bộ hồ sơ xin việc, là thứ đầu tiên nhà tuyển dụng yêu cầu từ ứng viên, mục đích là sàng lọc xem CV nào phù hợp với vị trí đang tuyển dụng. Vậy, nhà tuyển dụng dựa vào tiêu chí nào để sàng lọc CV?

Tùy vào yêu cầu vị trí công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra các tiêu chí sàng lọc. Ví dụ, vị trí cần người có kinh nghiệm thì đương nhiên những CV có nhiều kinh nghiệm sẽ được ưu tiên.

Với vị trí yêu cầu kỹ năng thì các CV có kỹ năng phù hợp sẽ được chọn, nhưng kỹ năng là thứ trừu tượng, được liệt kê một chiều từ ứng viên. Nó cần được kiểm chứng qua các vòng phỏng vấn xin việc. Còn lại nhà tuyển dụng sẽ dựa vào Trình độ học vấn và các yếu tố khác như sự chỉnh chu trong cách viết CV xin việc, ấn tượng thiết kế, mục tiêu nghề nghiệp, sở thích cá nhân.

Đơn xin việc là gì?
Đơn xin việc là gì?

Đơn xin việc là gì?

Đơn xin việc là giấy tờ mà trong đó người viết đơn (ứng viên) trình bày vắn tắt thông tin cá nhân, lý do viết đơn, kỹ năng phù hợp với vị trí, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn. Mục đích của đơn xin việc là thuyết phục nhà tuyển dụng thiết lập một cuộc phỏng vấn.

Sự khác nhau giữ CV xin việc và đơn xin việc

Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ xem đơn xin việc trước, nếu cần tìm hiểu chi tiết hơn nhà tuyển dụng sẽ nghiên cứu CV và Sơ yếu lý lịch tự thuật.

Tiêu chí so sánh CV xin việc Đơn xin việc
Trong bộ hồ sơ xin việc Bắt buộc phải có Không bắt buộc
Mục đích Cung cấp cho nhà tuyển dụng chi tiết tất cả những gì bạn có. Thuyết phục nhà tuyển dụng mức độ phù hợp của bạn đối với vị trí đang tuyển dụng. Thuyết phục nhà tuyển dụng nghiên cứu kỹ hồ sơ của bạn và thiết lập một cuộc phỏng vấn trực tiếp.
Hình thức Có thể thiết kế theo phong cách cá nhân. Theo mẫu, trình bày giống thư xin việc.
Độ dài Có thể dài hơn 1 trang Không quá 1 trang
Cấu trúc Theo danh sách. Ví dụ

  • Thông tin cá nhân
  • Mục tiêu nghề nghiệp
  • Kinh nghiệm làm việc
  • Trình độ học vấn
  • Kỹ năng
  • Sở thích
  • Người tham chiếu
Chia đoạn, đơn xin việc thường chia làm 3 đoạn:

  • Phần mở đầu
  • Phần nội dung
  • Phần kết
Nội dung Thông tin chi tiết, rõ ràng, đầy đủ, trung thực về bản thân, kinh nghiệm, kỹ năng, trình độ, sở thích, mục tiêu. Ngắn gọn, súc tích, tập trung vào kỹ năng, mức độ phù hợp với công việc, giá trị đem lại cho doanh nghiệp. Câu từ mang tính thuyết phục.
Nguyên tắc viết CV xin việc
Nguyên tắc viết CV xin việc

Nguyên tắc viết CV xin việc

  • CV xin việc nên trình bày đơn giản, gọn gàng, bắt mắt, màu sắc phù hợp với nội dung.
  • Sử dụng các font chữ tiêu chuẩn (Times New Roman, Arial).
  • Độ dài CV không vượt quá 2 trang A4.
  • Kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp.
  • Kiểm tra kỹ phần thông tin liên lạc.
  • Tên file CV đặt theo nguyên tắc: Vị Trí Ứng Tuyển + CV + Tên Ứng Viên. Ví dụ: NhanVienLeTan-CV-TranVanA
  • Kiểm tra kỹ nội dung CV, đặc biệt là phần thông tin gửi nhà tuyển dụng và tên CV, nhiều khi bạn sử dụng CV gửi cho nhiều nhà tuyển dụng hoặc một CV nộp cho nhiều vị trí công việc khác nhau.
Cách viết CV xin việc ấn tượng
Cách viết CV xin việc ấn tượng

Cách viết CV xin việc ấn tượng với nhà tuyển dụng

Theo nghiên cứu, phần tóm tắt CV là bí quyết đầu tiên trong cách viết CV xin việc ấn tượng mà các ứng viên xuất sắc sử dụng. Dựa vào phần tóm tắt này, nhà tuyển dụng sẽ nhanh chóng nắm bắt được sự phù hợp và khả năng của ứng viên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với tuyển dụng từ các công ty có lượng hồ sơ lớn. Các nhà tuyển dụng này thường không có thời gian đọc kỹ một CV dài dòng. Và phần tóm tắt CV chính là phương tiện giúp ứng viên không bị bỏ qua khi ứng tuyển vào những công ty này.

Cách viết Thông tin cá nhân

  • Ảnh cá nhân (Personal photos): Sử dụng hình ảnh trang trọng
  • Họ và tên (Full name): Ghi theo CMND
  • Giới tính (Gender): Ghi theo CMND
  • Ngày tháng năm sinh (Date of birth): Ghi theo CMND
  • Địa chỉ (Address): Địa chỉ nơi ở hiện tại
  • Số điện thoại (Phone number): Ghi số điện thoại thường xuyên sử dụng để NTD tiện liên lạc
  • Thư điện tử (Email): Sử dụng địa chỉ email theo tên, nghiêm túc và chuyên nghiệp
  • Trang web (Website): Ghi trang web cá nhân hoặc MXH (nếu muốn)

Cách viết Mục tiêu nghề nghiệp

Tùy vào công việc cụ thể, mong ước của bản thân mà bạn xây dựng mục tiêu nghề nghiệp cho riêng mình. Ví dụ: Bạn đang ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh bạn có thể viết:

Trở thành một nhân viên giỏi trong vòng 2 năm tới và là một người quản lý thành công trong tương lai. Tôi tin rằng luôn có những điều mới mẻ để học, và việc học sẽ không bao giờ dừng lại chừng nào một cá nhân được trao cơ hội. Tôi tận dụng mọi cơ hội để nâng cao kỹ năng của mình.

Cách viết Kinh nghiệm làm việc

Viết thông tin lộn xộn không quy củ sẽ làm bạn mất điểm nhanh chóng trong mắt nhà tuyển dụng. Thật vậy, theo CV của những ứng viên nổi bật, cách viết CV xin việc ấn tượng của họ thường sở hữu cách trình bày kinh nghiệm rất hợp lý. Vậy cách trình bày kinh nghiệm trong cách viết CV gây ấn tượng với nhà tuyển dụng của ứng viên xuất sắc như thế nào?

Sau đây là một vài cách trình bày kinh nghiệm trong CV xin việc được các ứng viên nổi bật thường sử dụng:

Cách trình bày kinh nghiệm trong CV theo trình tự ngược thời gian

Đây là cách quen thuộc nhất đối với các ứng viên hiện nay. Bạn chỉ cần liệt kê kinh nghiệm theo trình tự thời gian làm việc gần nhất, đến thời gian xa nhất.

Ưu điểm:

  • Dễ đọc, dễ theo dõi.
  • Những kinh nghiệm, nhiệm vụ và lịch sử công việc gần đây nhất của bạn được nhấn mạnh.

Nhược điểm:

  • Nhà tuyển dụng khó lòng có thể theo dõi ngay lập tức kinh nghiệm nổi bật nếu kinh nghiệm này không gần thời gian ứng tuyển.

Tóm lại, cách viết CV xin việc theo trình tự ngược thời gian chỉ phù hợp với những bạn kinh nghiệm gần nhất cũng chính là kinh nghiệm nổi bật nhất.

Cách trình bày kinh nghiệm trong CV
Cách trình bày kinh nghiệm trong CV

Cách trình bày kinh nghiệm trong CV theo cách kết hợp

Ngoài cách trình bày theo trình tự ngược thời gian, còn có cách trình bày kết hợp dành cho người muốn học cách viết CV xin việc ấn tượng từ các ứng viên nổi bật.

Theo cách này, bạn lựa chọn những kinh nghiệm quan trọng nhất được thể hiện lên phía trên, sau đó sắp xếp các kinh nghiệm theo trình tự ngược thời gian.

Ưu điểm:

  • Khắc phục được việc không theo dõi được các kinh nghiệm nổi bật không gần thời gian ứng tuyển
  • Nếu lựa chọn cách viết CV xin việc này, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng theo dõi các kinh nghiệm nổi bật bạn muốn họ chú ý.

Cách trình bày kinh nghiệm trong CV dựa trên kỹ năng

Cuối cùng là cách trình bày kinh nghiệm trong CV dựa trên kỹ năng. Đây là cách viết CV xin việc ấn tượng phù hợp cho ứng viên không có nhiều kinh nghiệm. Dựa trên các kinh nghiệm học tập, hoạt động ngoại khóa cũng như các kinh nghiệm từ các công việc khác, bạn có thể đưa ra một số kỹ năng phù hợp liên quan đến công việc mới. Từ đó, bạn liệt kê các kỹ năng đó và có các kinh nghiệm liệt kê bên dưới làm bằng chứng. Nhiều ứng viên dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng đã gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng cách trình bày dựa trên kỹ năng này.

Cách viết Trình độ học vấn 

Liệt kê bằng cấp cao nhất, chuyên ngành chính, tên trường, năm tốt nghiệp, loại tốt nghiệp, các loại bằng cấp, chứng chỉ khác (nếu có), trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học.

Cách viết Kỹ năng

Nên tập trung vào các kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển và các kỹ năng chuyên biệt. Ngoài ra, còn các kỹ năng chung khác như làm việc nhóm, làm việc độc lập, chủ động, ra quyết định, sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thuyết phục khách hàng, chịu áp lực…

Cách viết Sở thích và thành tựu

Khi liệt kê sở thích cá nhân trong cv xin việc, bạn lưu ý là chỉ liệt kê các sở thích tích cực, sở thích liên quan đến công việc. Tránh nói đến các sở thích tiêu cực như chơi game, hát karaoke, tụ tập…. Đừng quên liệt kê các giải thưởng, thành tích trong học tập cũng như làm việc.

Cách viết Người tham chiếu

Liệt kê tên, chức vụ, tên công ty, điện thoại, email của người tham chiếu gần nhất và có quan hệ tốt nhất với bạn. Đừng quên hỏi ý kiến trước khi đưa thông tin của họ vào CV.

Kinh nghiệm viết CV xin việc
Kinh nghiệm viết CV xin việc

Kinh nghiệm viết CV xin việc

Dành cho sinh viên mới ra trường

Kinh nghiệm làm việc và kỹ năng nghề nghiệp luôn là thứ còn thiếu, còn yếu đối với sinh viên mới ra trường. Nhưng tạm thời chúng ta hãy quên những thứ đó đi, nhà tuyển dụng hiểu và không đòi hỏi bạn. Chúng ta hãy tập trung vào điểm mạnh, ví dụ điểm số học tập tốt, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động thiện nguyện, học thêm nhiều khóa học bổ trợ hoặc trình bày cách mình đã quản lý cuộc sống sinh viên hiệu quả.

Đối với sinh viên mới ra trường, các bạn đừng quá bận tâm đến việc mình còn non nớt, không có kinh nghiệm làm việc. Hãy tự tin nói về điểm mạnh của mình. Lưu ý là không nên đề cập đến các khía cạnh không liên quan kiểu như thích chơi game, thích tụ tập bạn bè.

Dành cho người đã có kinh nghiệm

Với những bạn đã đi làm, làm lâu năm, trải qua nhiều công ty, nhiều lĩnh vực thứ bạn có chính là kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, kỹ năng sống và sự từng trải. Vậy, bạn nên đưa gì vào CV xin việc của mình? Lẽ dĩ nhiên là kinh nghiệm (trên thực tế nhà tuyển dụng sẽ tập trung vào phần này của bạn). Hãy trình bày kinh nghiệm một cách ngắn gọn, khoa học, nhấn mạnh vào vai trò chính, thành tựu, giải thưởng đạt được. Ngoài ra, hãy nêu bật các kỹ năng mà mình thành thạo nhất, loại bỏ các khoảng kinh nghiệm ngắn có nhảy việc liên tục.

Dựa vào ngành nghề cụ thể

Đối với từng ngành nghề cụ thể các bạn phải phân tích xem cái gì là quan trọng nhất với vị trí và ngành nghề mình đang theo đuổi. Ví dụ:

Nhân viên kinh doanh – Bạn thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng, phải đàm phán, thương lượng, thuyết phục, thu hút khách hàng. Vì vậy, bạn phải hiểu sâu về sản phẩm dịch vụ, phải tự tin, thành thạo các kỹ năng mềm. Điều này không chỉ được thể hiện trong CV mà cẩn phải cho nhà tuyển dụng thấy trong quá trình phỏng vấn xin việc.

Vị trí quản lý: Ngoài kinh nghiệm và kỹ năng làm việc bạn còn phải thể hiện được thần thái, sự tự tin, sự nhiệt huyết, tầm nhìn bao quát, cách quản lý con người, chiến lược từ ngắn hạn đến dài hạn.

Tải mẫu CV xin việc ấn tượng

Download “30 mẫu cv xin việc độc đáo”

30_mau_cv_xin_viec_doc_dao_Hotelcareers.vn_.zip – Downloaded 13651 times – 12.22 MB
Các lỗi thường gặp khi viết CV xin việc
Các lỗi thường gặp khi viết CV xin việc

Các lỗi thường gặp khi viết CV xin việc

CV xin việc quá dài: Nhà tuyển dụng chỉ dành tối đa một phút để đọc CV xin việc. Vì vậy,  bạn cần viết CV ngắn gọn súc tích dưới 2 trang A4. Sử dụng một vài từ khóa làm nổi trội điểm mạnh bản thân và sự phù hợp với vị trí ứng tuyển. CV dài thường do bạn trình bày phần kinh nghiệm giống bản mô tả công việc, hãy viết ngắn và tập trung vào những gì bạn học hỏi được từ công việc đó.

Ngoài phần trình độ học vấn, bạn nên đưa thêm các hoạt động ngoại khóa, hãy cho nhà tuyển dụng thấy sự nhanh nhạy, khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, sức sáng tạo và tiềm năng lãnh đạo khi đối mặt với công việc thực tế.

Quá chú trọng đến vị trí công việc: Mục đích của nhà tuyển dụng là thuê bạn về làm việc, đem lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp chứ không phải thuê bạn ngồi vào vị trí đó rồi dạy bạn cách làm việc. Vì vậy, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn có thể làm được những gì, đem lại giá trị gì.

Sử dụng hình ảnh không phù hợp: Sẽ thật khó coi với tấm ảnh selfie, trang phục lòe loẹt, khuôn mặt nhiều biểu cảm. Hãy sử dụng một bức ảnh chụp chân dung 4 x 6 cm với nụ cười thân thiện, trang phục công sở, nền xanh hoặc trắng.

Sử dụng địa chỉ email thiếu trang trọng: Nhiều ứng viên dùng email mình đang có mà không để ý nó có phù hợp hay không. Lưu ý tên địa chỉ email phải nghiêm túc, tốt nhất là tên của mình. Ví dụ tranvana@gmail.com. Tránh dùng các địa chỉ mail dạng girl_xinh@gmail.com hay boycute@gmail.com.

Lỗi trong phần kinh nghiệm làm việc: Nhiều bạn không biết hoặc không để ý cứ liệt kê kinh nghiệm từ cũ đến mới, viết kinh nghiệm như bản mô tả công việc. Điều này làm nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu, họ không có nhiều thời gian đọc và tìm kiếm thông tin trên bản CV xin việc dài như tiểu thuyết.

Lỗi sử dụng một CV cho nhiều vị trí công việc: CV của bạn rất dễ bị loại vì lỗi này. Ví dụ bạn sử dụng CV nhân sự để ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, rõ ràng nội dung hai công việc này là rất khác nhau. Nhà tuyển dụng không đủ kiên nhẫn để hiểu bạn.

Lỗi chính tả, ngữ pháp: Lỗi này nghe rất đơn giản nhưng nhiều nhà tuyển dụng “đánh chết” lỗi này, họ cảm thấy thật “ngớ ngẩn”, giống như mình không được tôn trọng. Vì vậy, hãy rà soát thật kỹ lỗi chính tả, câu cú, cách phân đoạn văn bản trước khi gửi.

Lỗi thiết kế và bố cục CV: Ai cũng yêu cái đẹp nên bạn cần thiết kế cho mình một CV bắt mắt, bố cục CV theo tiêu chuẩn, cái gì quan trọng xếp lên trên. Ví dụ: Mục tiêu nghề nghiệp, Kinh nghiệm, Trình độ học vấn, Kỹ năng …. cuối cùng là Người tham chiếu.

Lỗi đặt tiêu đề CV: Khi bạn gửi cv qua mail hoặc đăng CV trên các website việc làm, bạn cần ghi rõ tiêu đề là ” Ứng tuyển nhân viên kinh doanh”,  “CV nhân viên kinh doanh” hoặc “Apply vị trí nhân viên kinh doanh”, tránh sử dụng tiêu đề một cách chung chung.

Cách gửi CV qua mail
Cách gửi CV qua mail

Cách gửi CV qua mail

Có nhiều phương thức để bạn chuyển CV xin việc cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, gửi CV qua mail là một phương thức phổ biến, nó vừa nhanh chóng, thuận tiện và chuyên nghiệp. Bạn tự hỏi, gửi mail thì có gì khó? Vâng, nó không khó nhưng cần tuân thủ một số nguyên tắc để CV không bị nhà tuyển dụng ngó lơ.

Nguyên tắc 1: Nên sử dụng địa chỉ email trong phần thông tin cá nhân để gửi CV cho nhà tuyển dụng.

Nguyên tắc 2: Mỗi lần gửi chỉ gửi duy nhất cho một nhà tuyển dụng, không CC hay BCC.

Nguyên tắc 3: Một là không sử dụng chữ ký mail, hai nếu sử dụng hãy sử dụng một cách chuyên nghiệp, nghĩa là chữ ký sẽ bao gồm thông tin: Họ tên, chức danh, công ty, điện thoại, email, website (nếu dùng ảnh, cần sử dụng ảnh đẹp và trang trọng).

Nguyên tắc 4: Tiêu đề mail tuân theo công thức: Họ tên + Ứng tuyển vị trí …. + Công ty ABC. Ví dụ: Trần Văn A – Ứng tuyển vị trí Nhân viên kinh doanh – Công ty Du lịch Sky

Nguyên tắc 5: Đặt tên tệp đính kèm theo công thức: Tên tài liệu + Loại tài liệu + Tên ứng viên. Ví dụ: NhanVienLeTan-CV-TranVanA, NhanVienLeTan-SYLL-TranVanA (Tại sao đặt tên vậy? Vì nhà tuyển dụng thường tuyển rất nhiều vị trí công việc, họ tải về hàng đống CV, khi cần tìm kiếm họ sẽ tìm theo vị trí => đọc => sàng lọc).

Đối với tệp đính kèm bạn nên để dưới dạng PDF hoặc DOCX, không nên sử dụng các dạng file nén như ZIP, RAR tránh gây phiền toái, mất thời gian của NTD. Và nếu không có yêu cầu cụ thể, bạn chỉ cần gửi CV và Cover letter (Đơn/ Thư xin việc) cho nhà tuyển dụng thay vì gửi toàn bộ hồ sơ xin việc.

Được rồi, bây giờ đến phần nội dụng email. Xem mẫu dưới:

Mẫu email gửi CV xin việc

Kính gửi: Anh/chị (Tên người) – Phụ trách tuyển dụng công ty (Tên công ty),

Tôi là Lê Phú An, thông qua tin tuyển dụng đăng trên Hotelcareers.vn, tôi biết quý công ty đang có nhu cầu tuyển dụng Nhân viên kinh doanh. Tôi nhận thấy công việc này phù hợp với năng lực, trình độ  và kinh nghiệm đã tích lũy.

Tôi tốt nghiệp Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp tôi làm việc ở vị trí Nhân viên bán hàng tại Công ty ABC. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngừng học hỏi, làm việc chăm chỉ tôi đã đạt thành tích Nhân viên bán hàng giỏi nhất năm.

Ngoài học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp tôi luôn trau dồi kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh bằng các khóa học online như: Quảng cáo Google, Facebook, tiếp thị qua email… Kỹ năng nổi trội của tôi là Nắm bắt tâm lý khách hàng, Quản lý và chăm sóc khách hàng.

Với kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng nêu trên tôi tin mình có thể đáp ứng tốt yêu cầu của Quý công ty. Tôi mong muốn có một cuộc phỏng vấn trực tiếp để tôi có cơ hội trình bày rõ hơn về năng lực của mình.

Tôi gửi kèm email này Sơ yếu lý lịch, CV xin việc, đơn xin việc, bằng cấp chứng chỉ và các giấy tờ theo yêu cầu của Quý công ty.  Rất mong Quý công ty dành thời gian xem xét.

Tôi xin chân thành cảm ơn và mong sớm nhận được hồi âm của Quý công ty. 

Tải mẫu email gửi CV xin việc

Download “Mẫu Email gửi CV xin việc”

mau-email-gui-cv-xin-viec.docx – Downloaded 14090 times – 13.85 KB
4.9/5 - (122 votes)